Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác cai nghiện và phòng, chống HIV

08/12/2017 03:35 PM


Vừa qua, tại trường Đại học Lao động – Xã hội đã diễn ra lễ khởi động dự án “Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và phòng chống HIV”. Đây là dự án được thành lập do Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (SAMHSA, Hoa Kỳ) và Đại học California (Hoa Kỳ) hỗ trợ.

Đại diện các bên ký kết thỏa thuận hợp tác.

Dự án sẽ được tiến hành trong 5 năm (2017 - 2022) với sự phối hợp giữa 3 trường: ĐH Lao động - Xã hội (LĐ-XH), ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược Hồ Chí Minh với mục tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực cai nghiện ma túy của ngành LĐ-TB&XH nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng.

Đến dự Lễ khởi công có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập; Trưởng Đại diện SAMHSA Nadine Rogers tại Việt Nam; đại diện tổ chức nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm Don Des Jarlais, cùng đại diện các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại lễ khởi động, TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH LĐ-XH cho biết, điều trịnghiện ma túy là một quá trình lâu dài, bên cạnh những can thiệp về y tế cần có những can thiệp về tâm lý xã hội và Công tác xã hội ở nước ta hiện nay đã trở thành một nghề. Trường ĐH LĐ-XH là một trong những trường đầu ngành về đào tạo và thực hành Công tác xã hội, vì vậy mong muốn có thể lấp đầy khoảng trống về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực cai nghiện ma túy hiện nay, từ đó hướng đến việc xây dựng một hệ thống dịch vụ mang tính toàn diện và liên tục, đem lại hiệu quả cao trong điều trị nghiện.

“Trước thực tế này, được sự quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH, Cục PCTNXH, SAMHSA Việt Nam, Đại học UCLA Mỹ… Trung tâm điều trị nghiện chất và phòng chống HIV của chúng tôi đã được thành lập với mục tiêu nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ xã hội trong việc điều trị nghiện chất, phòng ngừa HIV thông qua tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị nghiện ở Việt Nam”, TS Hà Xuân Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Trường ĐH LĐ-XH hợp tác chặt chẽ với SAMHSA, có các kết quả cụ thể nâng cao đối tượng cán bộ ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ cai nghiện tại cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nghiện ma túy là một vấn đề xã hội mà nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt. Đến nay, Việt Nam có 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Có hơn 100 cơ sở cai nghiện ma túy, 6.000 cán bộ, 20.000 tình nguyện viên, 30.000 người đang điều trị nghiện tại các cơ sở…

Trong những năm qua, để hỗ trợ cai nghiên tại các cơ sở, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực nhằm giải quyết và can thiệp giảm hại từ nghiện ma túy như: Đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều mô hình, hình thức và phương pháp cai nghiện ma túy. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 với (Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới).

Các chỉ đạo trên đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy ở Việt Nam hàng năm vẫn gia tăng cùng với sự diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng của các loại ma túy, đặc biệt liên quan đến đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy đã có nhiều cố gắng nhưng do tính chất đặc thù vẫn cần có kỹ năng sâu để làm việc hiệu quả hơn. Để cung cấp kỹ năng cho các cán bộ này, đã có nhiều lớp tập huấn, gắn với các cơ sở cai nghiện tại cộng đồng, và vẫn cần thêm nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực hơn nữa.

Các đại biểu bấm chuông khởi động dự án.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (SAMHSA, Hoa Kỳ) và Đại học California (Hoa Kỳ), trường ĐH LĐ-XH thành lập Trung tâm “Chuyển giao Công nghệ Điều trị nghiện chất và phòng chống HIV”. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam luôn coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ làm công tác cai nghiện và phòng, chống HIV, đã mở rộng và triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ ngành LĐ-TB&XH, trong đó ưu tiên các loại hình đào tạo tấp huấn gắn với  thực hành tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng nhằm hỗ trợ toàn diện đối tượng cai nghiện.

Thứ trưởng đề nghị Trường ĐH LĐ-XH hợp tác chặt chẽ với SAMHSA, có các kết quả cụ thể nâng cao đối tượng cán bộ ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ cai nghiện tại cộng đồng. Cục PCTNXH cần hỗ trợ việc thực hiện dự án gắn với tiêu chuẩn, điều kiện của đội ngũ cán bộ trong cả nước, phù hợp với yêu cầu theo quy định của Việt Nam, cập nhật các kiến thức, kỹ năng của SAMHSA, Hoa Kỳ.

Theo Báo dân sinh