Tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống điều trị rối loạn sử dụng ma túy

08/11/2017 11:01 AM


Trong 4 ngày (từ 7-10/11), tại Hải Phòng, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội) tổ chức hội thảo về “Chuẩn quốc tế về điều trị nghiện chất và Bộ công cụ quản lý chất lượng”.

Toàn cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ chương trình toàn cầu của UNODC về điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy, hội thảo nhằm mục đích giới thiệu với các đại biểu về chuẩn quốc tế về điều trị nghiện chất, giới thiệu bộ công cụ quản lý chất lượng và thảo luận việc xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng bền vững ở Việt Nam.

Rối loạn sử dụng ma túy là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đè nặng lên vai mỗi cá nhân bị bệnh và gia đình họ. Ngoài ra, còn có những chi phí đáng kể mà xã hội phải chịu như mất năng suất lao động, thách thức về an ninh, tội phạm, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và vô số những hậu quả xã hội tiêu cực khác. Chi phí xã hội của sử dụng ma túy bất hợp pháp ước tính chiếm tới 1,7% tổng GPD của một số nước (theo báo cáo ma túy thế giới 2016).

Việc chăm sóc những cá nhân bị rối loạn sử dụng ma túy không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân bị ảnh hưởng, mà còn cho cả cộng đồng và an toàn xã hội.

Qua nhiều năm nghiên cứu, y học đã chứng minh lệ thuộc ma túy là một rối loạn sinh học và là hành vi đa yếu tố phức tạp. Những tiến bộ khoa học đang giúp phát triển việc điều trị nhằm làm bình thường hóa chức năng não của những người bị bệnh và hỗ trợ họ thay đổi hành vi. Cung cấp các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng khoa học đang giúp hàng triệu người bị bệnh dành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc phát triển phát triển các ứng phó phù hợp và dịch vụ dựa trên bằng chứng đối với rối loạn sử dụng ma túy, UNODC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tạo ra Chương trình toàn cầu về Điều trị và chăm sóc người lệ thuộc vào ma túy. Mục đích chính của chương trình liên cơ quan này là phổ biến các ví dụ điển hình về những thực hành tốt, được cung cấp bởi các nguyên tắc khoa học và đạo đức trong lĩnh vực này, bảo đảm người lệ thuộc vào ma túy nhận được các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và các cơ hội giống nhau tại các hệ thống chăm sóc y tế như đối với bất kỳ một loại bệnh mạn tính nào khác.

Dự thảo các tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống điều trị rối loạn sử dụng ma túy bao gồm 5 tiêu chuẩn. Đó là, quốc gia cần có một nhóm hợp tác chiến lược đa ngành để điều phối và quản lý chung cho việc lập kế hoạch, tài trợ, quản lý và theo dõi hoạt động điều trị nghiện ma túy tuân theo tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế của UNODC/WHO; nhóm hợp tác chiến lược đa ngành thực hiện các đánh giá định kỳ một cách toàn diện để đưa ra các hướng dẫn ở cấp quốc gia và ở các tỉnh trong việc lập kế hoạch điều trị rối loạn do sử dụng ma túy và các dịch vụ tăng cường sức khỏe; quốc gia có kế hoạch chiến lược từ 3-5 năm để xây dựng và duy trì hệ thống điều trị rối loạn do sử dụng ma túy ở cấp quốc gia và cấp tỉnh; nhóm hợp tác chiến lược đa ngành cần làm việc với các nhà tài trợ để bảo đảm hệ thống điều trị rối loạn do sử dụng ma túy được triển khai phù hợp với các tiêu chuẩn về chất lượng điều trị mà UNODC và WHO đã xây dựng; nhóm hợp tác chiến lược đa ngành cần bảo đảm duy trì và luôn cải thiện chất lượng của hệ thống điều trị rối loạn do sử dụng ma túy.

Các chuẩn quốc tế đã khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên xem xét mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng của các hệ thống điều trị ma túy, các can thiệp và chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, theo Chuẩn quốc tế phù hợp với luật pháp Quốc gia và các quy ước kiểm soát ma túy quốc tế.

Theo Tiếng chuông