Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không nên thử ma túy dù chỉ một lần

28/06/2023 08:39 AM


Đây là thông điệp được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ông Ngọ Duy Hiểu gửi gắm đến công nhân lao động (CNLĐ) cả nước tại Tọa đàm "Chủ động ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa để bảo vệ CNLĐ", do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức vừa qua.

Theo báo cáo của Cục CSĐT Tội phạm về ma tuý (C04), tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý trái phép hiện đang diễn biến phức tạp. Trong đó, CNLĐ tại các KCN đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.

Tọa đàm nhằm tuyên truyền giúp CNLĐ tránh xa ma túy

Chỉ ra một số đặc điểm mà tội phạm ma túy lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ CNLĐ, Đại tá Hoàng Quốc Việt- Phó Cục trưởng Cục C04 cho biết, đa số CNLĐ đều từ khu vực nông thôn, trong đó nhiều người từ các tỉnh miền núi về các thành phố, các tỉnh có nhiều KCN, cơ sở công nghiệp để làm việc, nên họ thiếu nhiều thông tin về tội phạm ma túy, về tác hại và nguy cơ lệ thuộc vào ma túy.

“Phần lớn CNLĐ chỉ đến nhà máy rồi lại về nhà trọ, không có nhiều cơ hội hưởng thụ các giá trị văn hóa, vui chơi giải trí. Sống xa gia đình, một bộ phận thiếu bản lĩnh, công việc nhàm chán, thu nhập thấp không đảm bảo đời sống, nên dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, cần được giải tỏa và dễ nảy sinh tâm lý cứ chơi đi cho đỡ buồn...”- Đại tá Hoàng Quốc Việt chia sẻ.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ đã sớm nhận ra nguy cơ này. Rất nhiều chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ Tổng Liên đoàn tới các cấp Công đoàn cả nước đã mang lại hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ CNLĐ trước tệ nạn ma túy. Cũng nhờ vậy, nhiều CNLĐ nghiện ma túy đã làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, giúp ích cho xã hội…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ông Ngọ Duy Hiểu

Chia sẻ tại Toạ đàm, kể lại quá trình mắc, cai nghiện và làm lại cuộc đời, anh Mai Thế Bắc (sinh năm 1978, làm việc tại Thanh Hoá) cho biết, trước đây anh làm thợ xây xa nhà, bị rủ rê “hút đi cho khoẻ” rồi dính vào tệ nạn ma tuý lúc nào chẳng hay. Cuộc đời anh Bắc từ đó cứ trượt dài, vợ con, người thân xa lánh. Gần 10 năm nghiện ma tuý, nhiều lúc anh Bắc chán nản, nghĩ đến cái chết.

Tuy nhiên, nghĩ đến vợ con, đến người mẹ già hơn 90 tuổi, đến hạnh phúc gia đình, anh Bắc quyết tâm phải cai nghiện. “Tôi nghĩ nếu mình không nghiện ngập, mẹ tôi không phải suy nghĩ nhiều về chuyện này thì có thể sống thêm một vài năm nữa. Bây giờ đã bỏ được ma tuý rồi, nhưng có còn mẹ đâu mà gọi, chỉ có ảnh thôi”- anh Bắc ngậm ngùi kể.

Nghĩ đến những người bị bệnh hiểm nghèo còn quyết tâm sống thêm, dù chỉ một vài ngày, anh Bắc càng thêm ý chí để cai nghiện ma tuý. Cũng theo anh Bắc, chính nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cán bộ Công an khu vực, anh đã quyết định khoá cửa một mình ở nhà cả ngày. Mỗi khi lên cơn, anh chạy ra giếng vặn nước tắm, có ngày anh tắm 5-6 lần…

Với ý chí quyết tâm cao, cuối cùng anh Bắc đã cai nghiện thành công, rồi tìm được việc làm ổn định tại một DN, được tham gia tổ chức Công đoàn, từ đó có thu nhập, tìm lại sự bình yên trong gia đình. “Từ khi cai được ma tuý, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi có lời khuyên với mọi người đừng dính vào ma tuý. Nếu ai đã trót dính vào ma tuý thì phải từ giã ma tuý, thì mới có thể có gia đình hạnh phúc, xã hội bình an”- anh Bắc chia sẻ thêm.

 

Anh Mai Thế Bắc (áo trắng) chia sẻ tại Tọa đàm

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, ma tuý rất nguy hiểm, có thể huỷ hoại cả cuộc đời, tàn phá nhân cách, tâm hồn, thể xác, biến con người trở thành hung ác, bị người thân xa lánh, mặc cảm với xã hội. Ma tuý nói chung là tội ác, tội phạm của những tội phạm khác, gây ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển, khiến xã hội phải thêm chi phí để giải quyết hậu quả. Vì vậy, mỗi CNLĐ cần nâng cao cảnh giác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không nên thử ma túy dù chỉ một lần.

Theo ông Hiểu, để phòng chống ma tuý trong CNLĐ, Công đoàn cần chủ động trong quan hệ với Công an, cần triển khai, phát giác, đề xuất, nhất là xây dựng các tổ tự quản, công nhân nòng cốt để phát giác, xử lý... “Tạo được mối quan hệ giữa 3 khối Công an, Công đoàn và chính quyền địa phương nhằm nắm bắt, trao đổi thông tin nhóm đối tượng có nguy cơ sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy tại DN, KCN. Từ đó, thống nhất cách ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa sẽ cho hiệu quả cao”- ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

PV