Quan tâm hơn đến việc tạo việc làm, hỗ trợ cho người sau cai nghiện

16/06/2022 03:46 PM


Tìm được việc làm là một trong những yếu tố có tác động không nhỏ đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau cai nghiện ma túy.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, ước tính 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 1.482 người nghiện ma túy, đạt 48,6% kế hoạch cả năm.

Trong đó, các quận, huyện, thị xã lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc cho 547 người; các cơ sở cai nghiện ma túy vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 935 người; các xã, phường, thị trấn tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 257 người...

Nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy, giúp họ có cơ hội từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy và hệ thống quản lý thông tin tệ nạn xã hội trên nền tảng bản đồ số.

Bên cạnh đó, các cơ sở có chức năng tư vấn, điều trị cai nghiện không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó thu hút ngày càng nhiều số người tham gia cai nghiện theo hình thức tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho đối tượng trong thời gian điều trị cai nghiện cũng được ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cùng các bên quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để giúp người nghiện sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống.

Cuối năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, Hà Nội đề ra giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương...

Triển khai kế hoạch này, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã và đang phối hợp với với các Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, số 3, số 5… để tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên đang cai nghiện sắp hòa nhập cộng đồng.

Thông qua các hoạt động tư vấn, Trung tâm giới thiệu tới học viên cai nghiện về các cơ sở dạy nghề, thông tin đào tạo nghề; những doanh nghiệp có nhiều vị trí việc làm trống đang cần tuyển dụng lao động... Ngoài ra, Trung tâm  còn tổ chức các hoạt động để trang bị thêm một số kỹ năng cho học viên cai nghiện như trả lời phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ...

Từ đó, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Cơ sở cai nghiện ma túy còn nắm bắt được những chia sẻ của những học viên đang điều trị tại đây, cũng như tâm tư, nguyện vọng, mong muốn làm nghề gì, đặc biệt là lắng nghe sự chia sẻ của người cai nghiện về quá trình hòa nhập cộng đồng và sự dang tay đón nhận của gia đình, xã hội để tránh tái nghiện.

Theo ông Ngô Văn Ất, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3, hiện nay, Cơ sở đang cai nghiện và chữa trị cho hơn 400 học viên. Việc cai nghiện thành công đã khó, tránh tái nghiện lại càng khó hơn. Chỉ khi có việc làm, người sau cai mới có thu nhập để duy trì và ổn định cuộc sống; khôi phục kỹ năng và nâng cao nhận thức đối với giá trị của lao động; giảm thiểu thời gian nhàn rỗi và hạn chế tiếp xúc với những nguy cơ cao dẫn đến tái nghiện.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đây luôn là vấn đề rất khó khăn vì tìm việc đối với người đã từng có tiền án, tiền sự, người từng nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi vậy, giúp đỡ, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người hoàn thành thời gian cai nghiện từ các Cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là TP. Hà Nội và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. 

Theo ông Ngô Văn Ất, đây là một chủ trương, chính sách mang tính nhân văn và là một việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực giúp học viên có cơ hội tiếp cận tốt nhất với các nguồn lực trợ giúp từ xã hội khi trở về cộng đồng.

Bên cạnh việc điều trị nghiện, hiện nay các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình như dạy văn hóa, đào tạo nghề… cho học viên. 

Trong năm 2021, Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 đã phối hợp với các trường nghề tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 120 học viên, trong đó nghề hàn là 60 học viên, nghề may là 60 học viên.

Hiện TP. Hà Nội đã giao Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố về dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

Có thể thấy, Nhà nước luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho người sau cai, tuy nhiên, quan trọng vẫn là các học viên sau cai trở về cộng đồng phải có ý thức, nghị lực và thoát ra được những cám dỗ, khẳng định được niềm tin đối với gia đình và xã hội. Rất cần các doanh nghiệp tạo điều kiện hơn nữa cho người sau cai trở về có công việc phù hợp với khả năng.

PV