Làm lại cuộc đời từ vũng lầy ma túy

15/10/2018 04:04 PM


Quyết tâm từ bỏ ma túy không chỉ làm thay đổi cuộc đời của anh, mà còn khẳng định, nếu kiên trì nỗ lực sẽ đoạn tuyệt “làn khói trắng”.

Anh Lữ Văn Pía đã đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời, là một nông dân làm kinh tế giỏi của bản Bó Sập. 

14 năm làm nô lệ của “nàng tiên nâu”

Anh Lữ Văn Pía sinh năm 1965 trong một gia đình có ba anh em trai, dân tộc Thái, ở bản Bó Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Pía đi bộ đội, tham gia đánh đuổi quân xâm lược trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Xuất ngũ trở về, anh Pía dựng nhà, lấy vợ khi vừa tròn 30 tuổi.

Những tưởng lấy vợ xong sẽ ổn định cuộc sống, tu chí làm ăn, nhưng anh Pía đã bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, sa vào nghiện ma túy. Từ chỗ hút chơi rồi nghiện nặng và trở thành nô lệ của “nàng tiên nâu”. Trong nhà mọi tài sản có giá trị đều bị anh Pía đem đi bán hết để thỏa mãn cơn nghiện. Người vợ ra sức khuyên can, nhưng anh  không nghe. Anh ngày càng lún sâu vào ma túy.

Lúc bấy giờ, Lóng Sập là một trong những xã nghèo nhất của huyện Mộc Châu. Bản Bó Sập nơi anh Pía sinh sống gần như hộ nào cũng bị cái đói, cái nghèo bám riết. Đói nghèo, kém hiểu biết, nhiều người trong bản đã tiếp tay cho kẻ xấu buôn bán ma túy, rồi bị nghiện hút, không còn sức lao động. Nhiều người vào tù ra tội, được cán bộ động viên giúp đỡ, nhưng sau lại chứng nào tật ấy. Ma túy khiến đầu óc bao người mụ mẫm, không còn biết đến lao động sản xuất. Có gia đình, tất cả người trong nhà đều nghiện ma túy. Nhà anh Pía thì từ người cha đến mấy người con trai đều nghiện.

Ban đầu, khi hút thuốc phiện, anh Pía vẫn có thể lao động được. Sau khi chuyển từ thuốc phiện sang hít hê-rô-in, tốn kém hơn và sức khỏe anh cũng bị giảm sút nhiều. Nhiều lúc, anh còn vượt biên, sang Lào để tìm mua ma túy. Khi đói thuốc, anh vật vã không đi làm được, lúc phê thuốc thì lại buồn ngủ. Cuộc sống cứ thế trôi đi, triền miên không biết đến tháng ngày, khiến anh chán nản, bỏ bê công việc, kinh tế gia đình tan nát. Anh càng vật vã, khổ sở hơn sau những cơn nghiện.

Anh chia sẻ: "Mỗi lần “chơi” ma túy xong, khi tỉnh, tôi cảm thấy ân hận, đau lòng và rất thương vợ, thương bố mẹ. Nhưng khi đói thuốc, tôi không thể chịu nổi, lại tìm đủ cách để có tiền mua ma túy. Khi thỏa mãn được cơn nghiện, tôi cũng biết và từng hứa với bản thân sau liều ma túy này mình sẽ cai, sẽ từ bỏ... Tôi tin rằng, ai từng nghiện như tôi thì sẽ hiểu cảm giác đó”...

Anh Pía đã sống trong những tháng ngày như vậy suốt 14 năm. Mãi đến năm 2008, bố anh mất, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, khó khăn chồng chất, lương tâm anh mới thức tỉnh. Được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, năm 2009, anh xin đi cai nghiện tại Trung tâm giáo dục lao động (Trung tâm 06) tỉnh Sơn La. Cùng đi trong đợt ấy, bản Bó Sập có 13 người. Thời gian đầu vào Trung tâm 06 là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với anh. Đó là sự hành hạ của những cơn nghiện, sự dằn vặt bản thân. Nhưng cũng chính những ngày tháng đó, anh đã suy ngẫm và tỉnh ngộ, nhìn nhận lại những sai lầm của mình. Từ đó, anh đã hạ quyết tâm, cố gắng rèn luyện, lao động để được trở về với cộng đồng. “Trong thời gian từ 7 đến 10 ngày đầu cắt cơn, tôi cảm thấy rất cực khổ. Nhưng rồi nghĩ đến vợ con nheo nhóc, tôi quyết tâm cai nghiện thành công để trở về với gia đình” - Anh Pía nói.

Tìm lại chính mình

4 năm "chiến đấu" với ma túy tại Trung tâm 06, nhờ ý chí quyết tâm của bản thân và sự động viên của gia đình, sự sát cánh của đội ngũ y, bác sỹ tại trung tâm, anh Lữ Văn Pía đã chiến thắng được cơn nghiện, đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy. Năm 2013, sau khi cai nghiện thành công, anh Pía được trở về với gia đình, cộng đồng. Những lời động viên, giúp đỡ của gia đình hai bên nội, ngoại, sự chăm sóc, thông cảm của người vợ hiền, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã giúp anh vươn lên, quyết tâm làm lại cuộc đời. Không phụ lòng của mọi người, anh đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, tu chí làm ăn.

Tuy nhiên, vẫn có những người tiếp tục rủ rê anh “chơi” ma túy. Anh Pía tâm sự: “Trong hai năm đầu khi tôi cai nghiện trở về, bạn bè nhiều lúc rủ rê đi uống rượu rồi hút hít, có lúc họ còn mang ma túy đến tận nhà mời. Bản thân tôi nghĩ mình đã có tuổi rồi, cũng đi trại cai nghiện 4 năm, thấm lắm rồi. Trước đó, khi bước chân ra khỏi Trung tâm 06, tôi đã thề sẽ không bao giờ để phải vào lại nơi đây. Nếu họ mời mình dùng ma túy được lần này, sẽ có lần khác. Mình phải kiên quyết từ chối. Đến năm thứ ba thì không còn ai rủ rê tôi hút, hít ma túy nữa”.

Dù không còn trẻ nữa, anh Pía vẫn bắt tay làm lại cuộc đời bằng việc phát triển kinh tế gia đình. Với mấy chục triệu vốn vay, vợ chồng anh đầu tư mua trâu, bò, gà về chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn làm ruộng, làm nương, trồng ngô, lúa phục vụ cho nhu cầu của gia đình và bán. Tính ra, mỗi năm anh thu được khoảng 80 triệu đồng từ làm kinh tế. Đó là số tiền không nhỏ với nhiều hộ trong bản Bó Sập. Sau 5 năm cai nghiện thành công, anh Pía không chỉ trở thành người nông dân làm kinh tế tiêu biểu của bản, của xã, mà còn là một người dân gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương, nhất là trong phong trào đấu tranh phòng, chống tác hại của ma túy.

Với sự nỗ lực của bản thân và những đóng góp cho địa phương, anh Lữ Văn Pía được bà con tin tưởng bầu vào Tổ an ninh bản và Tổ phó Tổ liên gia tự quản của bản. Ngoài ra, anh còn được bầu vào Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, thường xuyên giúp đỡ những gia đình khó khăn trong bản. Anh Pía thực sự là tấm gương sáng để những người từng một thời lầm lỗi học tập, là động lực giúp họ biết giá trị đích thực của cuộc sống, từ đó vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc hơn./.