Phối hợp phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

18/06/2018 02:55 PM


Cục Phòng, chống TNXH (Bộ LĐTB&XH) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2018-2020.

Chương trình phối hợp được ký kết nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm theo Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH và Bộ Công an.

Lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị-Ảnh: Cục Phòng, chống TNXH

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH và Bộ Công an đã chỉ đạo hai cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến người mua dâm, bán dâm; công tác xử lý hành chính đối với người sử dụng ma túy trái phép, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện, thực hiện các biện pháp quản lý hành chính liên quan đến giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.

Đồng thời kiểm soát số người vắng mặt tại địa phương nơi cư trú, số người bị mua bán trở về địa bàn, lập hồ sơ liên quan đến quá trình xác minh, xác định nạn nhân, hỗ trợ bảo vệ an ninh, an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân khi trở về địa phương… Những nội dung này trong các năm vừa rồi đã đạt được những hiệu quả và kết quả nhất định.

Để tiếp tục tăng cường sự hợp tác giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2018-2020 trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và Bộ Công an đã đồng ý giao cho Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ký kết Chương trình phối hợp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giữa hai cơ quan là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào công tác thi hành luật pháp và thực hiện các Quyết định, Chương trình của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong công tác này. Sự phối hợp giữa hai đơn vị sẽ giúp cho mỗi bên phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, tạo được sự gắn kết thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Và đặc biệt sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức ngành LĐTB&XH, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội từ trung ương đến địa phương nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng và các nhiệm vụ, hoạt động của công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian tới

Đồng thời có thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong thi hành luật và thực thi các Quyết định, Chương trình của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với công tác này; góp phần khắc phục được những hạn chế, sai sót khi thực thi công vụ, giúp cho việc thực hiện được nghiêm túc, thống nhất và có hiệu quả cao; bảo đảm đầy đủ quyền con người, quyền, lợi ích hợp của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta.

Chương trình phối hợp gồm 6 nội dung cơ bản: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu công tác; nghiên cứu, khảo sát thực trạng tình hình, kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các hội nghị, hội thảo và học tập, trao đổi kinh nghiệm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về các đơn vị, địa phương.

Theo báo LĐTĐ