Ngành Kiểm sát tăng cường công tác phòng, chống tội phạm năm 2018

05/04/2018 02:23 PM


Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn của Ngành Kiểm sát nhân dân (BCĐ 138) vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2018.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Ban chỉ đạo 138 ngành KSND, trong năm qua, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tăng so với năm 2016 như tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp… nhiều vụ phạm tội có tổ chức, tính chất manh động, liều lĩnh, gây hậu quả đặc biệt quan trọng. 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Trước tình hình đó, toàn Ngành KSND tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020; tiếp tục triển khai thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật mới được Quốc hội thông qua và các chỉ thị, quy chế, quy định mới của ngành về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, nhiều khâu đột phá để phấn đấu hoàn thành tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm…

Để góp phần kiềm chế và giảm tội phạm so với năm 2017, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm và các Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác phòng, chống tội phạm, BCĐ 138 của Ngành đề nghị Ban chỉ đạo 138 của Viện kiểm sát các cấp nắm, phân tích, dự báo sát tình hình tội phạm, kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch, phòng chống tội phạm.

Trong đó, tập trung giải quyết các vụ, việc thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); các vụ án liên quan đến sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia… thuộc trách nhiệm của Ngành. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm về ma túy; thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội (số: 37/2012/QH13, 63/2013/QH13, 96/2015/QH13, 111/2015/QH13).

Tập trung chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và quản lý chặt chẽ việc giải quyết án hình sự, đảm bảo mọi hành vi có dấu hiệu tội phạm đã được phát hiện đều được khởi tố, điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn; nắm chắc nội dung, tiến độ, kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án hình sự của cơ quan điều tra; chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Thực hiện nghiêm chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSNDTC trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ; chủ động rà soát, kiểm tra và giải quyết kịp thời những vụ án có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện, điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền VKSNDTC, nhất là những tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Cơ quan điều tra của VKSNDTC chủ động thu thập thông tin, kịp thời điều tra, xác minh, bảo đảm khởi tố vụ án, bị can theo đúng quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham những chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, nhằm răn đe, phòng ngừa chung góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống tội phạm.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra truy tố, xét xử; kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhằm răn đe tội phạm và giáo dục, phòng ngừa chung; giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, hủy để điều tra lại; tích cực áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.

Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện Tiểu đề án 3 “Truy tố và xét xử tội phạm mua bán người” thuộc Đề án 2, Chương trình 130 “ Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trong Ngành. Xây dựng, triển khai thực hiện các đề tài, đề án theo kế hoạch công tác của VKSNDTC; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Viện kiểm sát trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, thông qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nhất là những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa…

 

Theo tiengchuong.vn