Buôn bán vận chuyển ma túy: Tăng mạnh về khối lượng

30/03/2018 03:30 PM


Từ năm 2016 đến nay đã bắt tới hơn 10.000 vụ, tăng hơn 300 vụ. Tổng số tang vật thu giữ là hơn 2 tấn ma túy các loại, tăng hơn 1,4 tấn so với 2 năm trước đó.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Ban chuyên án kiểm tra 288 bánh heroin.

Theo số liệu từ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, trong 2 năm trở lại đây, những vụ buôn bán vận chuyển ma túy tăng cả về số vụ và lẫn số lượng ma túy. Việc bắt giữ vài trăm bánh heroine không còn là chuyện hiếm.
Tỷ lệ này cho thấy số vụ không tăng quá nhiều nhưng khối lượng ma túy trong mỗi vụ lại có sự tăng vọt, điều đó cũng thể hiện rõ sự liều lĩnh của những đối tượng buôn bán ma túy trong những vụ án này.

Nếu như trước đây, ma túy chủ yếu được vận chuyển từ Lào về Việt Nam thông qua các tỉnh có chung đường biên giới thì hiện ma túy được đưa về Việt Nam bằng tất cả các đường, bằng hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt.

Mặc dù khung hình phạt của luật pháp đối với tội phạm ma túy rất nghiêm khắc, điển hình như vào năm 2014, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt 30 bị cáo mức án tử hình trong một chuyên án ma túy xuyên quốc gia, nhưng trước các khoản siêu lợi nhuận mà ma túy đem lại, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp, bất chấp mạng sống để tham gia vào việc buôn bán "cái chết trắng".
Ma túy vào nước ta đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc chém giết, tệ nạn xã hội xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng; những kẻ loạn thần do "ngáo đá" hãm hại cả người thân. Biết bao gia đình tan cửa nát nhà vì ma túy, bệnh tật từ việc chích hút ma túy hủy hoại sự sống của người nghiện một cách tàn nhẫn. Sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng đã góp phần rất lớn trong việc đẩy lùi vấn nạn ma túy, tuy nhiên cuộc chiến này cũng đang đặt ra các vấn đề vô cùng khó khăn, nan giải.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục phức tạp do vị trí địa lý đất nước gần khu vực “tam giác vàng”, được xem là trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới, mặt khác, tuyến biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở. Đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng vận chuyển ma túy vào nước ta, một phần tiêu thụ tại nội địa, phần khác trung chuyển sang nước thứ ba.

Nguyên nhân chính thứ hai, do nguồn lợi từ buôn ma túy rất lớn, sau mỗi phi vụ vận chuyển ma túy trót lọt các đối tượng buôn bán, vận chuyển thường kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Nguyên nhân nữa của việc gia tăng tội phạm ma túy là do sự khó khăn về kinh tế và trình độ dân trí thấp của bà con vùng biên. Lợi dụng điều này, tội phạm ma tuý đã lôi kéo người dân tham gia vào việc tàng trữ và vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới. Số lượng người nghiện ma túy ở nước ta còn cao, trong khi đó hiệu quả công tác cai nghiện thấp, và như một tất yếu khi có cầu ắt có cung.

Hơn nữa, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy vẫn còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều, chưa được đầu tư nhiều về kinh phí và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương còn chưa mạnh, chưa kiên quyết trong chỉ đạo và còn tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm ma túy.

Một yếu tố khách quan là sự xuất hiện các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sự cấu kết và móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước để buôn bán ma tuý; xu hướng tội phạm ma túy móc nối với các loại tội phạm khác đặc biệt là tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự như một liên kết tự nhiên nguy hiểm, đang gia tăng và ngày càng phức tạp…

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa các hoạt động buôn bán ma túy, chất gây nghiện như nắm bắt tình hình về tội phạm ma túy, phối kết hợp với các nước, các tổ chức quốc tế để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây ma túy lớn. Đối với các chuyên án ma túy đã được triệt phá, cần xử lý nghiêm khắc các đối tượng tội phạm để răn đe. Cần bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Có biện pháp tổng thể để giảm thiểu số lượng người nghiện ma túy trong cộng đồng.

Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trước các nguy cơ, tác hại mà hành vi buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội. Đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt ở các vùng biên giới, địa bàn khó khăn, tạo ra công ăn việc làm ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân để từng bước đẩy lùi vấn nạn ma túy.

Cùng với đó, cần xem nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống buôn bán ma túy và tệ nạn ma túy không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, riêng bất cứ cơ quan nào, mà cần trở thành một phong trào quần chúng mang tính chất rộng khắp để công tác đấu tranh, phòng chống, ngăn ngừa các hoạt động buôn bán ma túy, chất gây nghiện thực sự có hiệu quả. 

Theo Tiếng chuông