Bệnh viện tuyến dưới sẽ sớm có đủ loại thuốc bảo hiểm y tế
06/12/2024 08:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 01/01/2025, quy định mới sẽ bỏ việc phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc BHYT. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, không phân biệt hạng bệnh viện.
Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư số 37 quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Đồng thời xin ý kiến danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: “Từ ngày 01/01/2025 quy định sẽ bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc. Các cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật (trừ những trường hợp có ghi chú quy định, điều kiện về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cấp chuyên môn kỹ thuật hoặc yêu cầu chuyên môn về sử dụng thuốc)”.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quy định này sẽ khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc, góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm tình trạng quá tải tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), trong nhiều năm qua, danh mục thuốc BHYT chưa được cập nhật thường xuyên. Một trong những nguyên nhân là các quy định về tiêu chí, nguyên tắc để cập nhật danh mục thuốc chưa được xây dựng dưới hình thức là văn bản quy phạm pháp luật. Mỗi lần cập nhật lại danh mục thuốc đều phải xem xét rà soát và xây dựng lại tiêu chí; dẫn đến việc không bảo đảm tính kịp thời và làm cho quy trình xây dựng và cập nhật danh mục thuốc bị kéo dài thời gian.
Bệnh viện tuyến dưới sẽ sớm có đủ loại thuốc bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa)
“Việc triển khai Thông tư 37 sẽ tạo hành lang pháp lý để việc cập nhật danh mục thuốc được thường xuyên hơn. Khi đã có hành lang pháp lý, các hội đồng chuyên môn và cơ quan của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ nhanh chóng chủ động xây dựng dược danh mục thuốc BHYT một cách nhanh chóng, cập nhật và đảm bảo được tính khách quan. Đây được xem là điểm đột phá về mặt thể chế”, bà Trần Thị Trang cho biết.
Việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, là để thực hiện quy định của Luật BHYT sửa đổi mới được quốc hội thông qua. Thông tư ban hành các nguyên các nguyên tắc, tiêu chí để xây dựng, cập nhật danh mục thuốc, dân dược phục vụ cho khám, chữa bệnh bằng BHYT. Đây là một trong những chính sách bảo đảm được định hướng liên quan đến bảo đảm cung ứng thuốc BHYT cho người bệnh.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?