Triển khai phù hợp, hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
04/11/2023 02:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân - Trợ lý Tổng Bí thư, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm trong những tháng cuối năm.
Chuẩn bị tốt nhất các nội dung, nhiệm vụ phục vụ Hội nghị Trung ương 8, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 10, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, chuẩn bị tốt nhất các nội dung, nhiệm vụ phục vụ Hội nghị Trung ương 8, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, bảo đảm chất lượng và cơ bản đúng tiến độ. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua 16 dự án luật.
Trong tháng 10, Chính phủ, Thủ tướng ban hành 2 nghị định, 11 nghị quyết, 2 quyết định quy phạm, nhiều chỉ thị, công điện; ký kết Nghị quyết liên tịch với các cơ quan trong hệ thống chính trị; ban hành kế hoạch triển khai các luật: Giao dịch điện tử, Phòng thủ dân sự và Luật Giá.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất, phòng cháy chữa cháy… Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng; kiện toàn một số cơ quan, hội đồng; phê duyệt một số chiến lược, chương trình...; thăm, kiểm tra, khảo sát, dự khởi công một số dự án hạ tầng quan trọng.
Chính phủ, Thủ tướng tổ chức các hội nghị, diễn đàn, cuộc họp quan trọng, giải quyết những vấn đề cấp bách như thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn…; kiện toàn 6 hội đồng điều phối vùng và tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Cũng trong tháng 10, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, thiết thực, hiệu quả, nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình tiếp tục xu hướng tích cực trên nhiều lĩnh vực, duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước", đóng góp vào kết quả chung của 10 tháng, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, với nhiều điểm nổi bật.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, cũng như các chính sách điều chỉnh giá khác.
Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm (giảm khoảng 2% so cuối năm 2022); đồng tiền Việt Nam mất giá ít nhất so với khu vực.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (sản lượng lúa hè thu đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn; xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 34,9% về giá trị so với cùng kỳ). Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Lúa gạo được mùa, được giá; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng; sản lượng thuỷ sản tăng 2,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 78,9%; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục.
Thứ ba, công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so tháng 9 và tăng 4,1% so cùng kỳ, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 4,9%; 10 tháng tăng 0,5%.
Thứ tư, thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 tăng 1,5% so tháng 9 và tăng 7% so cùng kỳ; 10 tháng tăng 9,4%. Khách du lịch quốc tế tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt (tháng thứ tư liên tiếp đón trên 1 triệu khách), tính chung 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần so cùng kỳ.
Thứ năm, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 10, xuất khẩu tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3% so với cùng kỳ; nhập khẩu tăng 5,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%; xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu đạt 291,28 tỷ USD, nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD; xuất siêu trên 24,6 tỷ USD.
Thứ sáu, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán trong khi miễn, giảm, gia hạn 163,8 nghìn tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng). Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Thứ bảy, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt gần 401,9 nghìn tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch, tăng 5,5% và số tuyệt đối khoảng 104 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thứ tám, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ (trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 15,29 tỷ USD, tăng 66,1%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 5,33 tỷ USD, giảm 39% và vốn góp, mua cổ phần đạt 5,13 tỷ USD, tăng 35,4%). Tổng vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% (tăng dần qua hằng tháng: 5 tháng giảm 0,8%, 6 tháng tăng 0,5%; 7 tháng tăng 0,8%, 8 tháng tăng 1,3%, 9 tháng tăng 2,2%). Các công ty công nghệ cao, thương hiệu lớn tới Việt Nam và cam kết đầu tư, mở rộng đầu tư. Chuỗi dự án khí điện Lô B với quy mô đầu tư 12 tỷ USD được ký kết triển khai, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng xanh.
Thứ chín, tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn, tháng 10 có trên 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và 5,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng lần lượt 18,5% và 44,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng có 183,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp.
Cùng với đó, thủ tục hành chính được tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết. Từ đầu năm đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 338 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 388 thủ tục hành chính, phân cấp 156 thủ tục hành chính. Chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc. Đặc biệt cơ sở mới Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được khánh thành với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới…
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện (tỉ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên là 93,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 84,1%). Xuất cấp 24,5 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân. Nhiều hoạt động chính trị - xã hội được tổ chức thành công.
Đồng thời, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và toàn xã hội.
Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và là điểm sáng, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam. Tổ chức GIZ đánh giá Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á trong phát triển hydrogen xanh; Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường mới nổi lĩnh vực logistics, xếp thứ 4 về Cơ hội Logistics Quốc tế.
Về tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát còn cao. Thu ngân sách 10 tháng giảm so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu; nợ xấu có xu hướng gia tăng. Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Thẻ vàng IUU chưa được gỡ. Sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Các gói tín dụng triển khai còn hạn chế. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi phù hợp. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Tình hình sạt lở, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. An ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là cháy nổ, tai nạn giao thông…
Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại phiên họp về tình hình tháng 10 và 10 tháng đầu năm; nêu rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, theo Thủ tướng, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời; tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách cần cố gắng hơn; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới…
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị; củng cố và phát huy đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính…
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phát huy những thành quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, hóa giải các khó khăn, thách thức, bám sát, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong tháng 11, 12, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 và tạo đà thuận lợi cho năm 2024.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu triển khai tích cực, hiệu quả các kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, nhất là những đề án, nhiệm vụ chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện. Nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất, đăng ký đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng năm 2024.
Để tiếp tục phục vụ tốt nhất Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành theo sát tình hình, chủ động chuẩn bị kỹ các nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi để sẵn sàng báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
"Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa, vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, tập trung giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân", Thủ tướng phát biểu.
Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Thủ tướng cho rằng cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi. Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, có các giải pháp đột phá, tạo thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư), trong đó đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, có quy mô lớn, công nghệ cao.
Về xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...
Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; thực hiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu…
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân thông qua 6 giải pháp: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp lý; mở rộng thị trường cho các mặt hàng thế mạnh; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thực sự đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) và kiểm soát giá nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc. Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, phấn đấu cơ bản phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023; triển khai nhanh, hiệu quả các quy hoạch đã ban hành; phát huy hiệu quả các hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu), khẩn trương áp dụng hóa đơn điện tử với bán lẻ xăng dầu; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU để gỡ thẻ vàng của EU.
Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...).
Tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tiếp tục ổn định và phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp tại các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Làm tốt công tác an sinh xã hội, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết
Về y tế, giáo dục, Thủ tướng yêu cầu khắc phục bằng được việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn thành dứt điểm dự án đầu tư các bệnh viện đã kéo dài nhiều năm. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non, có giải pháp phù hợp về sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với thu nhập của người dân…
Đồng thời, làm tốt công tác an sinh xã hội, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết; triển khai phù hợp, hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chủ động phòng, chống thiên tai, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, ổn định đời sống.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, phân cấp, phân quyền. Tập trung xây dựng các nghị định, thông tư, hướng dẫn để thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Quốc hội theo hướng tháo gỡ vướng mắc từ thực tế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan. Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đó, cần giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy nhanh điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy, "tín dụng đen"…
Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Coi trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông chính sách, tăng cường đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân, chú trọng biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, kêu gọi phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhất là của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn trong triển khai 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực và xây dựng hạ tầng chiến lược, giải quyết những vấn đề liên quan tới sản xuất, kinh doanh, việc làm, sinh kế của người dân.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?