Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 67%
20/02/2023 02:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2022, thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện. Tính chung cả năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,21% ; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt khoảng 67%.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung cho các hoạt động hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm.
Thị trường lao động phục hồi tích cực, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.
Năm 2022, thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm. Ảnh: Internet
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,5% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, tăng 4,5%; khu vực dịch vụ là 19,7 triệu người, tăng 6,1%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng so với năm trước.
Tuy nhiên, từ đầu quý IV đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt các chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động, thủ tục xét nghiệm, cách ly đối với người lao động mới sang làm việc; hướng dẫn doanh nghiệp trong các khâu tuyển chọn, đào tạo, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với diễn biến dịch bệnh và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại.
Thúc đẩy đàm phán với các nước tiếp nhận lao động để ký kết Thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động. Tăng cường công tác tạo nguồn, đào tạo và triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở nước ngoài và thúc đẩy hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng về nước, nhằm phát huy tay nghề, kinh nghiệm của người lao động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?