Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
11/11/2022 08:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Công điện nêu rõ: Trong những tháng còn lại của năm 2022, trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường hơn của thế giới, kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu. Để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.
Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của hầu hết dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, khá kịp thời. Những khó khăn về thời tiết, tình hình dịch bệnh... không còn là nguyên nhân chính gây cản trở đến công tác giải ngân vốn đầu tư công..., do đó, cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/10/2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng (tăng 16%); tuy nhiên mới đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (55,8%), do nguồn vốn đầu tư công năm 2022 điều chỉnh tập trung trọng tâm, trọng điểm và huy động được từ nhiều nguồn khác nhau nên tăng hơn so với năm 2021 khoảng 120 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2022 đạt cao như: Thanh tra Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bình Định, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận...; đồng thời phê bình các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2022 đạt thấp như: Ủy ban Dân tộc, Viện khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Tư pháp, Hà Giang, Phú Yên...
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, Bộ Xây dựng kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường; ban hành các quy định về sử dụng vật liệu mới thay thế cho các dự án, công trình xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để xử lý tháo gỡ các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; hướng dẫn ngay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác mỏ nguyên, vật liệu phục vụ cho dự án đầu tư công.
Bộ Công Thương theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kiểm soát và có biện pháp kịp thời, hiệu quả theo quy định để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xử lý kịp thời bảo đảm đúng thời hạn về việc có ý kiến theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với việc chuyển đổi đất rừng đối với các dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện này và báo cáo kết quả, tiến độ từng tháng cho Thủ tướng Chính phủ (qua Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?