Nỗ lực kết nối thị trường lao động hậu Covid-19
02/09/2022 07:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng sự chủ động và thích ứng của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) ngành LĐ-TB&XH đã góp phần kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo cho thị trường lao động vận hành bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Làm “ấm dần” thị trường lao động nhờ tuyển dụng trực tuyến
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hậu Covid-19, tuyển dụng trực tuyến đã trở thành xu hướng phù hợp với điều kiện thực tế. Hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến thực tế đã được triển khai trong thời gian vừa qua đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để các trung tâm DVVL thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19. Giải pháp này đã nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ cả người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp.
Hiện, các trung tâm DVVL trên cả nước đã tích cực chuyển mình, linh hoạt, đa dạng hóa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Bên cạnh hình thức tư vấn truyền thống, nhiều trung tâm cũng tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến hoặc qua mạng xã hội. Bước đầu, giải pháp này đã nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ cả NLĐ và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các trung tâm DVVL cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và cung cấp thông tin, trong đó chú trọng vào các hoạt động qua email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của trung tâm… mở rộng cơ hội tuyển dụng cho doanh nghiệp cũng như NLĐ trên địa bàn và vùng lân cận.
Một khảo sát mới đây với chủ đề "Tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến trong bình thường mới" của Tập đoàn Adecco Việt Nam cho thấy, gần 40% nhà tuyển dụng bắt đầu sắp xếp các cuộc phỏng vấn trực tuyến từ sau dịch Covid-19; 35% doanh nghiệp không tiến hành đào tạo nhân viên mới trực tuyến trước dịch Covid-19 nhưng hiện họ đang áp dụng hình thức này; 59% ứng viên đã được trải nghiệm cả hai quá trình tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến; khoảng 65% hài lòng với quy trình tuyển dụng trực tuyến và gần 45% hài lòng với quy trình đào tạo nhập môn trực tuyến.
Tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến sẽ là tiêu chuẩn trong thị trường lao động tương lai, theo chia sẻ từ 77% nhà tuyển dụng và 69% ứng viên. Hơn 70% ứng viên tin rằng các công ty nên dùng những công cụ tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến, chứng minh cho sự ủng hộ xu hướng số hóa; 54% thậm chí còn nói rằng những doanh nghiệp không theo kịp xu hướng này sẽ tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm nhân tài.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội nhận định, kết nối trực tuyến đang là xu hướng trong thời đại bùng nổ công nghệ số. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, doanh nghiệp và NLĐ hạn chế di chuyển, hạn chế tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nắm bắt được xu thế đó, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tận dụng thế mạnh từ internet, biến các nền tảng kết nối trực tuyến thành công cụ hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ, kết nối doanh nghiệp với NLĐ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, có đến hàng trăm doanh nghiệp tại 6, 7 tỉnh, thành phố tham gia, mang đến hàng chục ngàn vị trí việc làm với mức lương từ 5 - 30 triệu đồng cho NLĐ.
“Năm 2022, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, đồng bộ nghiệp vụ tại các điểm sàn, tiếp tục thực hiện các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, tăng cường phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành xung quanh. Trên cơ sở đó, ở mỗi phiên, sự liên kết giữa các địa phương tốt hơn cả về chất và lượng so với thời gian qua. Trước mỗi phiên, Hà Nội phối hợp với các tỉnh nghiên cứu sâu hơn cung - cầu lao động, để doanh nghiệp và NLĐ dễ dàng tìm thấy nhau dù ở bất kì đâu, để hiệu quả tuyển dụng đạt được kết quả cao nhất”, ông Vũ Quang Thành chia sẻ.
Dù là phương án tuyển dụng tối ưu trong bối cảnh hiện nay nhưng ông Thành cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn có xu hướng ưa chuộng tuyển dụng trực tiếp. Tuy vậy, số lượng lao động tìm được việc làm qua hình thức này vẫn đang có những dấu hiệu tích cực. Để hình thức tuyển dụng trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu và sàng lọc kỹ các hồ sơ ứng tuyển được gửi đến, sắp xếp thời gian phỏng vấn phù hợp và linh động hơn trong yêu cầu tuyển dụng. Về phía NLĐ cần trang bị thêm những kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và hồ sơ online đầy đủ, cụ thể…
Phát triển thị trường lao động thích ứng yêu cầu mới
Trước tác động tiêu cực của đại dịch, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động, như: Tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho NLĐ; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho NLĐ để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
Trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra là nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút NLĐ quay trở lại làm việc. Trong đó, Bộ nêu rõ việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp các chi phí sinh hoạt tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế bù đắp những khó khăn do tác động của dịch bệnh mang lại mà yên tâm làm việc.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phục hồi tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp NLĐ và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68, Quyết định 23, Nghị quyết 116, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg và triển khai rất quyết liệt, qua đó góp phần tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thị trường lao động.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động… Đặc biệt, hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực hiện đại hóa luật pháp về lao động và việc làm, mở rộng phạm vi an sinh xã hội, nâng cấp thu thập dữ liệu thị trường lao động quốc gia, cải thiện cách tiếp cận chiến lược để phát triển kỹ năng và gần đây hơn là cải thiện luật pháp về lao động và việc làm để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động nhiều thay đổi của một nền kinh tế đang chuyển đổi.
Tại Hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tập trung phát triển thị trường lao đông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đặt nền móng cho vấn đề lao động trong nhiệm kỳ này. Từ nay đến cuối tháng 8 chuẩn bị tốt Diễn đàn quốc gia về việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?