Bảo hiểm y tế “cứu nguy” cho bệnh nhân nhà nghèo bệnh trọng

03/07/2017 02:07 PM


BHYT là một trong những chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên một bộ phận nhân dân do chưa hiểu hết lợi ích của việc tham gia BHYT nên chưa tích cực tham gia; chỉ đến khi bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn ập đến, cả gia đình phải chạy lo viện phí, có thể phải bán nhà, vay nặng lãi, thậm chí không thể điều trị hoặc bỏ dở điều trị do không lo đủ kinh phí mới nhận thức hết tầm quan trọng của BHYT đối với việc chăm sóc sức khoẻ con người. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về tính nhân văn của chính sách BHYT để tích cực tham gia là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho bản thân và chia sẻ với cộng đồng.

Bất ngờ bị suy thận mạn từ năm 2011, bạn sinh viên Nguyễn Thị Thu Hè, đang học học kỳ cuối cùng của Đại học Thương Mại gần như ngã gục, bao nhiêu hoài bão gần như chấm dứt đối với bạn. Từ khi bị bệnh, gia đình em là một gia đình làm nông thuần túy tại xã An Hiệp – huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình lâm vào hoàn cảnh đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Bao nhiêu năm dồn sức để nuôi con ăn học, từ khi con bị bệnh bố mẹ em phải chạy vạy lo chữa bệnh cho em. Hè phải bước vào điều trị chạy thận nhân tạo tuần 3 lần. Thời gian đầu em chạy thận chu kỳ tại Hà Nội, sau do hoàn cảnh khó khăn, với chi phí cùng chi trả 20% viện phí khoảng 2 triệu mỗi tháng; nếu kể tiền ăn, nghỉ, trọ chi phí lên tới gần 7 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình không thể lo nổi, 6 năm nay Hè được điều trị tại BVĐK huyện Tiền Hải. Từ khi về Thái Bình, xét hoàn cảnh gia đình, Hè được cấp thẻ BHYT diện bảo trợ xã hội nên không phải đóng số tiền điều trị khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đặc biệt tại BVĐK huyện Tiền Hải 100% bệnh nhân chạy thận đều được cung cấp dinh dưỡng miễn phí, bố trí nhà ở cho những bệnh nhân ở xa. Như vậy Hè hầu như không phải chi trả viện phí, không phải mất phí sinh hoạt ăn, ở cơ bản, cũng giống như nhiều bệnh nhân chạy thận ở đây có thẻ BHYT hộ nghèo, bảo trợ xã hội nên không mất đồng nào chi phí điều trị.

“Đúng là nếu không có BHYT, tôi không thể theo đuổi điều trị căn bệnh này. Bởi lẽ chi phí điều trị lớn, đều đặn mỗi tháng, người chạy thận sức khỏe yếu không làm thêm được nhiều việc, nếu không được BHYT gánh bớt một phần chi phí, tôi chắc chẳng ai có thể theo đuổi điều trị hằng năm”, nhiều bệnh nhân cùng điều trị như Hè đều chia sẻ như vậy.

Tại Thái Bình, hiện nay có 3 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đang thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho gần 400 bệnh nhân tại tỉnh là: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Đại học Y, BVĐK huyện Tiền Hải. Bác sỹ Trần Khánh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Dinh dưỡng BVĐK tỉnh cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân suy thận có chỉ định chạy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, cao huyết áp… ngày càng tăng, độ tuổi phải chạy thận ngày càng trẻ hóa. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất đang phải chạy thận nhân tạo tại Thái Bình là cháu Phạm Trung Hiếu, sinh năm 2004, địa chỉ xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Tại 3 cơ sở này một ngày tổ chức 4 ca lọc máu chạy thận với khoảng trên 400 bệnh nhân được chạy thận, trung bình mỗi ca hơn 4 tiếng nên ca thứ 4 kết thúc cũng thường ở lúc 12h đêm, 1 giờ sáng.

Trung bình, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ, mỗi năm BHYT chi trả gần 100 triệu đồng, như vậy với mức lương cơ sở hiện nay, một người tham gia 142 năm mới đủ chi phí cho 1 năm chạy thận nhân tạo. 100% bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại Thái Bình đều có BHYT, nếu không có BHYT sẽ không thể cứu được người bệnh do chi phí điều trị lớn, người bệnh bỏ ngang điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả.

Không chỉ có những bệnh nhân suy thận mạn phải điều trị chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống, trong năm 2016, BHXH tỉnh đã chi trả cho hơn 2,3 triệu lượt bệnh nhân có thẻ BHYT với chi phí là 1.450,3 tỷ đồng; có 1.522 bệnh nhân chi cao trên 50 triệu đồng, 1.481 bệnh nhân chi cao từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, 38 bệnh nhân chi cao từ 200 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng, 3 bệnh nhân chi cao trên 400 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2017, BHXH tỉnh chi trả cho hơn 1,2 triệu lượt bệnh nhân với chi phí 821,5 tỷ đồng, có 908 bệnh nhân chi cao trên 50 triệu đồng, 890 bệnh nhân chi cao từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, 18 bệnh nhân chi cao trên 200 triệu đồng.

Cao nhất là bệnh nhân Nguyễn Đào Tiến Thành, trẻ em dưới 6 tuổi, địa chỉ xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, bị bệnh tim bẩm sinh, năm 2016, quỹ BHYT chi trả số tiền là 599,6 triệu đồng; tiếp đó là bệnh nhân Phạm Đình Hùng, cán bộ hoạt động kháng chiến, địa chỉ xã Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình bị bệnh viêm phổi, năm 2016 được quỹ BHYT chi trả 430,7 triệu đồng…

Theo thống kê đến nay, tại Thái Bình có trên 82% dân số có thẻ BHYT, như vậy gần 18% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Từ 01/6/2017, việc thực hiện điều chỉnh giá viện phí đối với cả người chưa có BHYT sẽ gây tác động nhiều đến gần 18% số dân chưa tham gia BHYT còn lại này. Việc tham gia BHYT để chăm lo sức khoẻ bản thân, giảm bớt  gánh nặng về tài chính những lúc ốm đau bệnh tật đồng thời góp phần chia sẻ với cộng đồng thực sự là một lựa chọn đúng đắn./.

Lê Thị Minh Huệ