Hội Nông dân Việt Nam: Giữ vai trò quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân

30/06/2017 06:23 AM


Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nêu rõ, thực hiện chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam. Nhân Ngày BHYT Việt Nam 1/7, Cổng tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Lý - Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Lý - Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

PV: Xin bà cho biết, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện BHYT toàn dân?

Bà Nguyễn Hồng Lý:

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng các quyền của con người, chú trọng đến việc phát triển kinh tế gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước có liên quan đến bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân; nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro, tai nạn bất ngờ đối với sức khỏe, tính mạng, sự giảm sút thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân là một trong những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết BCH Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: “Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Chính vì vậy, thực hiện chính sách BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà các cấp Hội quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Để xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, thì trách nhiệm của các cấp Hội phải quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân. Hiện nay, nông dân chiếm tỷ lệ gần 70% dân số.Hội Nông dân Việt Nam với hệ thống tổ chức từ TW xuống tận cơ sở với 95.373 chi Hội, 162.535 tổ Hội và 12.403.041 số hộ gia đình nông dân. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam.

PV: Xin bà cho biết một số yếu tố tác động đến việc tham gia BHYT của người nông dân?

Bà Nguyễn Hồng Lý:

Hiện nay, việc thực hiện chính sách đầy nhân văn này vẫn còn một số hạn chế. Nhiều người nông dân chưa hiểu rõ về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, còn nghĩ BHYTgiống như loại hình bảo hiểm nhân thọ của các tổ chức bảo hiểm thương mại. Đội ngũ tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách BHXH vẫn còn thiếu; hệ thống đại lý làm việc theo hành chính, chưa chú ý vận động như các quỹ bảo hiểm nhân thọ khác, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều nơi...

Hội thi Nông dân với chính sách BHXH, BHYT.

Đến thời điểm hiện tại chúng ta đã đạt 82% dân số tham gia BHYT, nhưng vẫn còn 18% người dân chưa tham gia BHYT (tương đương với khoảng 17 triệu người, trong số này đa số là nông dân) đây là đối tượng không được hỗ trợ của nhà nước nên rất khó vận động. Kết quả thực hiện BHYT đạt cao theo chỉ tiêu được giao nhưng chưa thực sự bền vững vì hiện nay tỷ lệ hỗ trợ ngân sách của nhà nước chiếm trên 63% (có đến 48 triệu người được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT trên tổng số 76 triệu người tham gia BHYT). Như vậy, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo khi thoát nghèo thì tỷ lệ tham gia BHYT sẽ giảm mạnh dẫn đến không đạt được mục tiêu BHYT toàn dân nếu như chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách BHYT để người dân hiểu và tự giác tham gia.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT chưa cao, tuy nhiên có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như: Người nông dân chưa hiểu biết hết về tính ưu việt của chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, còn so sánh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác; một bộ phận nông dân điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chỉ tham gia BHYT khi bản thân họ bị bệnh nặng; chất lượng khám chữa bệnh tại các địa phương ở tuyến cơ sở chưa tốt dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa tạo được niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT; công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, chưa bám sát đối tượng, chưa phủ khắp được ở mọi địa bàn; sự phối hợp giữa Hội Nông dân với ngành Y tế, BHXH ở nhiều nơi chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức với công tác này; việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho nông dân thuộc diện hộ gia đình cận nghèo; hộ gia đình nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chưa được thực hiện triệt để do nguồn ngân sách một số địa phương gặp khó khăn.

Chính vì vậy, Hội Nông dân xác định là phải tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp làm đại lý thu BHXH, BHYT cho nông dân ngay tại cộng đồng thôn/xóm với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhằm tạo điều kiện tối đa cho bà con nông dân được tham gia BHXH, BHYT mà không phải mất nhiều thời gian để làm thủ tục.

PV: Xin bà cho biết về kết quả phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Bà Nguyễn Hồng Lý:

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện BHYT toàn dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nông dân và xây dựng kế hoạch chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho các cấp Hội tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHYT, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% hội viên nông dân tham gia BHYT.

Thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ký kết Nghị quyết liên tịch; Chương trình phối hợp theo từng giai đoạn để tổ chức triển khai thực hiện. Các cấp Hội đã tập trung vào những hoạt động có thế mạnh của hệ thống Hội như: Tổ chức các hoạt động tập huấn, đối thoại, hội thi, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, xây dựng các đại lý thu BHXH, xây dựng các mô hình BHYT toàn dân, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng của Hội... Các nội dung tuyên truyền tập trung vào quyền lợi, trách nhiệm của nông dân trong việc thực hiện chính sách BHYT; vai trò, tính ưu việt, ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước; phổ biến hình thức, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng, chính sách.

Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 1.518 đại lý thu BHYT. Việc Hội trực tiếp tham gia làm đại lý thu BHYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nông dân trong việc giải thích, hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ và nông dân không cần phải đến xã/phường hoặc các đại lý của ngành bưu điện để làm thủ tục...

Năm 2016, Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam đã tiến hành tổng kết, đánh giá “Chương trình phối hợp giai đoạn 2012 – 2015” và ký kết “Chương trình phối hợp số 1896/CTPH-BHXH- HND về việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2016 – 2020”. Đây là cơ sở để các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và tăng tỷ lệ lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.Ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Trung ương Hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nông dân giai đoạn 2016 – 2020 do đồng chí Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội làm Trưởng ban chỉ đạo; đồng thời, ban hành công văn hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong cả nước cụ thể hóa các nội dung phối hợp nhằm phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT.

Công tác phối hợp giữa hai ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành công chung của cả nước. Nếu như năm 2005, trước khi ký kết Nghị quyết liên tịch giữa 02 ngành giai đoạn 2006 - 2010, số người tham gia BHYT mới chỉ đạt khoảng 23,4 triệu, chiếm 29% dân số. Sau khi ký kết Nghị quyết liên tịch giữa 02 ngành và tổ chức tuyên truyền vận động, đến năm 2010, số người tham gia BHYT đạt khoảng 50,7 triệu người, chiếm 58% dân số, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005. Tính đến cuối năm 2015, số người tham gia BHYT đạt khoảng 70 triệu, chiếm 76,52% dân số. Đặc biệt, đến hết năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 81,8% dân số, trong đó có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân Việt Nam.

Có thể khẳng định, kết quả phối hợp giữa hai ngành đã thực sự góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT.

Đối thoại Nông dân với chính sách BHXH, BHYT.

PV: Xin bà cho biết về kết quả xây dựng thí điểm 03 mô hình BHYT toàn dân mà Hội Nông dân đã thực hiện trong thời gian vừa qua?

Bà Nguyễn Hồng Lý:

Chúng tôi đã xây dựng thí điểm 3 mô hình “BHYT toàn dân” tại xã An Hưng, TP Hải Phòng; xã Hưng Tây, tỉnh Nghệ An và xã Đức Tân, tỉnh Long An.Về cách thức tiến hành, các cấp Hội đã tổ chức khảo sát, lựa chọn địa bàn xây dựng mô hình; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình;xây dựng quy chế hoạt động;tổ chức Hội nghị ra mắt và tập huấn kiến thức, nghiệp vụ tuyên truyền cho các thành viên nòng cốt. Sau đó, tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp ở cộng đồng; tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở xã/phường.

Sau khi ra mắt mô hình, Trung ương Hội đã tổ chức tập huấn kiến thức, nghiệp vụ tuyên truyền cho các thành viên mô hình và các hội viên nòng cốt trong địa bàn các thôn/xóm tại 03 xã xây dựng mô hình; đồng thời đã tiến hành tổ chức các cuộc truyền thông cho hội viên, nông dân tại các thôn, ấp thuộc địa bàn 03 xã xây dựng mô hình điểm.Kết quả của 03 tỉnh xây dựng mô hình điểm cho thấy, tỷ lệ người tham gia BHYT ở 03 xã điểm đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như mô hình tại xã An Hưng, TP Hải Phòng tăng 14% so với số liệu khảo sát ban đầu; mô hình ở xã Đức Tân, tỉnh Long An tăng 16,07%; mô hình tại xã Hưng Tây, tỉnh Nghệ An tăng 15%.

Trên cơ sở tổng kết đánh giá hiệu quả của 03 mô hình năm 2016, Trung ương Hội đã xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội nhân rộng mô hình “BHYT toàn dân” kết hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện.

Hoạt động xây dựng thí điểm Mô hình “BHYT toàn dân” là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả sự phối hợp giữa Hội với các ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó Hội Nông dân là đơn vị nòng cốt đứng ra tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân về thông tin, thủ tục tham gia BHYT. Có thể khẳng định, các cơ sở Hội làm tốt mô hình tuyên truyền, vận động này sẽ khắc phục được sự thiếu hụt đội ngũ tuyên truyền viên của ngành BHXH, vì hiện tại cơ quan BHXH chỉ phân cấp đến cấp huyện; huy động được đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cấp xã/ phường và các chi, tổ Hội tham gia mạng lưới tuyên truyền, giúp hội viên, nông dân thuận lợi khi làm thủ tục, hồ sơ tham gia BHYT. Không những thế, thông qua các chi, tổ Hội, việc giao chỉ tiêu tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHYT được thực hiện dễ dàng và thuận tiện hơn; khắc phục được việc nông dân khi hết hạn thẻ BHYT quên, chậm đóng, tham gia ngắt quãng không liên tục sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và chế độ BHYT của nông dân.

Nông dân ngày càng quan tâm hơn đến chính sách BHXH, BHYT.

PV: Xin bà cho biết một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện BHYT toàn dân?

Bà Nguyễn Hồng Lý:

Qua quá trình phối hợp triển khai thực hiện, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm, giúp cho quá trình tuyên truyền, thực hiện chính sách BHYT ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ nhất, muốn tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tính ưu việt, sự cần thiết của chính sách BHXH, BHYT mà tự giác tham gia. Do đó, các cấp Hội đã xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện và thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc tiếp cận tìm hiểu các chế độ, chính sách và hỗ trợ các thủ tục tham gia BHXH, BHYT. Chính vì vậy, chúng tôi đã chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở để vừa tuyên truyền, vận động và trực tiếp làm đại lý thu BHXH, BHYT.

Thứ ba, cần phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thực tế trong thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau. Điển hình như tổ chức hội nghị đối thoại, hội thi và lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của Hội.

Thứ tư, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, thì cần phải có đội ngũ cán bộ và bộ máy làm công tác tuyên truyền bài bản, được đào tạo đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm công tác tuyên truyền. Các nội dung tuyên truyền cần phải được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của từng nhóm đối tượng tuyên truyền.

Thứ năm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội và các ban, ngành có liên quan; sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương

Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động đang được triển khai có hiệu quả như tuyên truyền, đối thoại phổ biến chính sách; tổ chức hội thi; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; nhân rộng các điểm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT cho hội viên, nông dân và đặc biệt là chỉ đạo hệ thống Hội ở cơ sở đưa nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội; tiếp tục chỉ đạo duy trì, nhân rộng mô hình “BHYT toàn dân” và mô hình vận động nông dân tham gia “BHXH tự nguyện” trên cơ sở các mô hình triển khai điểm đã có hiệu quả./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đặng Huế (thực hiện)