Tập trung nguồn lực triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

19/06/2017 02:59 PM


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024, diễn ra vào ngày16/6, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khai mạc.

Ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024. Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, UBND các cấp và được thực hiện trong thời gian dài.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Thời gian qua, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với nhiều chính sách, thể chế nhất quán và đang dần hoàn thiện qua từng thời kỳ. Sau hơn 2 năm triển khai Luật Hộ tịch năm 2014, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã dần được chuyên nghiệp hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác này đã được chú trọng tăng cường, qua đó giúp người dân thực hiện các thủ tục đăng ký một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc công bố và phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tích cực triển khai Khung hành động của Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.

Đây là chương trình được thực hiện trong thời gian dài, liên quan đến trách nhiệm nhiều Bộ, ngành, địa phương nên muốn triển khai hiệu quả, cần tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ; đẩy nhanh nguồn lực xây dựng, triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đặc biệt là việc chuyển đổi dữ liệu từ sổ giấy sang điện tử; thống kê chính xác tỷ lệ khai sinh, khai tử trên từng địa bàn và toàn quốc.

Tại Hội nghị, giới thiệu tổng quát về Chương trình, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết: Mục tiêu chính mà Chương trình hướng tới là bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Đồng thời, bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai tử), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Chương trình nhằm đảm bảo số liệu đăng ký hộ tịch được tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được công bố công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Các hoạt động chính được triển khai gồm: Xây dựng hệ thống thông tin hộ tịch điện tử, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trên toàn quốc (có kết nối lấy số định danh cá nhân); cài đặt, hỗ trợ tập huấn, đào tạo công chức sử dụng phần mềm; đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất đồng bộ để chuyển đổi dữ liệu lịch sử (số hóa sổ giấy) và đào tạo công chức làm công tác hộ tịch.../.

Theo dangcongsan.vn