Tăng cường kiểm soát lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT
14/06/2017 03:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình kỳ họp của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV, ngày 14/6.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn (Nguồn Internet)
Nội dung chất vấn gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc.
Trong buổi sáng Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn của 18 đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế; giải pháp cải cách thủ tục chuyển tuyến; giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở; giải pháp nâng cao chất lượng y đức, văn hóa ứng xử, phục vụ người bệnh của y bác sĩ; vấn đề đầu tư trang thiết bị vật tư, y tế; giải pháp căn cơ để giảm giá thuốc, sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương; giải pháp hạn chế ảnh hưởng do giá viện phí tăng đối với bệnh nhân nghèo; giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ dẫn tới kháng thuốc; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp quản lý thực phẩm chức năng; giải pháp đẩy mạnh tự chủ bệnh viện; giải pháp xử lý rốt ráo những bất cập khi triển khai xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công lập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế;...
Về chuyển tuyến khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến Trung ương - đây là nguyện vọng chính đáng. Hiện nay, theo Luật BHYT đã có thông tuyến giữa xã và huyện, người dân có thể không cần khám ở nơi đăng ký ban đầu mà có thể đến tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong lộ trình đến năm 2021 sẽ thông tuyến trên toàn quốc. Chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất, cho nên người dân cũng có thể đi qua các tuyến ban đầu.
Tuy nhiên, với những bệnh nặng và mãn tính như ung thư, tim mạch hoặc các bệnh phổi, Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu về y tế phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và có một hệ thống theo dõi, giám sát và được điều trị theo phác đồ. Nhiều bệnh nhân ở bệnh viện xã, huyện nhưng được lên tỉnh để nhận thuốc bảo hiểm hàng tháng.
Bộ trưởng cho biết, nhiều bệnh nhân đề nghị được nhận thuốc này và chữa bệnh ngay tại huyện, tại xã mà không cần phải đi xa, do là bệnh mãn tính, điều trị theo phác đồ và đến lấy thuốc. Bộ Y tế đang xây dựng chương trình này và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh. Còn giai đoạn đầu khi chuẩn đoán phát hiện cần những các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế vừa tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các địa phương và đơn vị trực thuộc y tế về BHXH và BHYT. Qua kiểm tra phát hiện thấy có tình trạng lạm dụng từ hai phía, một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân.
Mặt khác, do tác động của thông tuyến cho nên người dân một là lạm dụng đi khám rất nhiều như phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, có những người khám đến 20-30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám v.v.... Từ đơn vị y tế, do cơ chế tự chủ có những mặt tốt nhưng cũng có những mặt hạn chế, sẽ tăng nguồn thu lạm dụng từ kỹ thuật xét nghiệm, từ dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ kèm theo giám sát và cùng với BHXH, thực hiện nghiêm việc tự chủ nhưng có sự quản lý chặt của nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ.
Bộ Y tế đã ban hành thông tư để công nhận xét nghiệm lẫn nhau, trước mắt từ tháng 6/2016, các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh phải công nhận các kết quả xét nghiệm.
Ảnh minh họa, nguồn Intenet.
Hiện tượng quá tải đã giảm đáng kể
Báo cáo của Bộ Y tế trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV cho biết, thời gian qua, hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đã giảm đáng kể. Bộ cũng đã triển khai nhiều phương pháp cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ Khám chữa bệnh được hướng dẫn triển khai có hiệu quả; Cải thiện sự hài lòng hơn đối với dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế; Thực hiện hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; Ứng dụng và phát triển kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.
Tuy nhiên, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương,… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng củathành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh,… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh vượt tuyến đi khám bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên, làm cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương quá tải..
Vẫn còn có nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh. Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên. Một số bệnh viện, còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Môi trường bệnh viện ở một số nơi còn chưa đảm bảo. Tình trạng mất an ninh, trật tự trong bệnh viện thời gian gần đây tại một số bệnh viện đang có xu hướng gia tăng. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT vẫn còn phiền hà.
Công tác quản trị bệnh viện còn một số hạn chế. Khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương. Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tới quyết tâm giảm quá tải của các bệnh viện. Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...
Thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật và quy chế hướng dẫn hoạt động khám chữa bệnh; Phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện với đầy đủ 9 nhóm giải pháp, bảo đảm mục tiêu tăng số bệnh viện và số giường bệnh của Đề án giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường quan tâm, đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện. Khuyến khích các hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng bệnh viện. Phấn đấu thực hiện mục tiêu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt là tuyến dưới, y tế cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới.
Tập trung chỉ đạo cải tiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025. Tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phong cách phục vụ người bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Tăng cường công tác quản trị bệnh viện, bảo đảm chi phí hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh. Tập trung và tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu để nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, có các giải pháp để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đã và đang được đầu tư trong thời gian vừa qua.
Tăng cường giám sát, kiểm tra và tiến tới công nhận chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Tổ chức thanh tra việc thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh, các quy định, quy chế chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, việc cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
PV
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...