Chính sách và hoạt động BHXH sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

20/08/2019 08:26 AM


Ngày 30/04/1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, hai miền Nam - Bắc thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt. Ngày 02/07/1976, Nhà nước ta quyết định lấy Quốc hiệu là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ thực tiễn cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, dựng nước và giữ nước, có thể nhận thấy, việc Nhà nước luôn quan tâm ban hành, thực thi đầy đủ hệ thống chính sách xã hội chính là nguồn động lực cổ vũ và cố kết dân tộc, tạo niềm tin cho nhân dân về một chế độ xã hội chủ nghĩa công bằng, bình đẳng, dân chủ, bác ái, để từ đó chiến thắng mọi kẻ thù.

 Kiên định các mục tiêu ấy, 10 năm sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều văn bản quan trọng kiện toàn hệ thống chính sách xã hội, trong đó có các chế độ BHXH. Cũng trong giai đoạn này, việc triển khai thí điểm BHXH đối với người lao động bắt đầu manh nha tại một số ngành kinh tế tập thể, tạo tiền đề việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động trong các thành phần kinh tế khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Đất nước thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp mới thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Sau một thời gian thảo luận, Quốc hội khóa VI tại Kỳ họp thứ 07 ngày 18/12/1980, đã nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 tổng kết, xác định những thành quả đấu tranh cách mạng trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm bước phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Về chính sách xã hội, đặc biệt là BHXH, Điều 59 Hiến pháp năm 1980 quy định: “… Công nhân, viên chức khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được hưởng quyền lợi BHXH. Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền lợi đó. Nhà nước hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”.

Trong 05 năm (1976-1980), trên mặt trận kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khắc phục từng bước hậu quả nặng nề của chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra và của cuộc chiến tranh biên giới; khôi phục phần lớn cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, nông dân Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bổ lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách BHXH với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tiếp tục được kiện toàn.

Ngay sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 18/06/1976, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10-NĐ/76 về việc thực hiện các chế độ mất sức lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân viên chức và quân nhân ở miền Nam. Về cơ bản, các chế độ này thống nhất với các quy định tại Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 và Nghị định 161/CP ngày 30/10/1964. Như vậy, có thể nói, đến năm 1976, chính sách BHXH đã được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, góp phần quan trọng giải quyết hậu quả của chiến tranh để lại trên lĩnh vực chính sách xã hội, ổn định cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới: đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, viên chức nhà nước và quân nhân có thời gian hoạt động cách mạng, ngày 08/08/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 198-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm về chế độ hưu trí và nghỉ việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức nhà nước và quân nhân. Theo đó, công nhân, viên chức nhà nước hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã có 25 năm công tác liên tục, bị ốm đau phải nghỉ việc và quân nhân có 15 năm công tác liên tục (trong đó có 10 năm hoạt động trong các lực lượng vũ trang nhân dân), nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi vì ốm đau phải nghỉ việc, không còn ở trong quân đội, cũng được hưởng chế độ hưu trí. Công nhân, viên chức nhà nước khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp hàng tháng vì mất sức lao động, nếu là thương binh, bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc đã có 03 năm hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hoặc có 15 năm công tác liên tục và khi nghỉ việc vì mất sức lao động, nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi khi chết, thân nhân sẽ được hưởng chế độ trợ cấp tuất theo quy định hiện hành.

Ngày 20/11/1978, Hội đồng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 296-CP bổ sung và sửa đổi một số điểm về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu và nghỉ việc vì mất sức. Bổ sung quy định về trợ cấp ưu đãi hàng tháng ngoài lương hưu đối với cán bộ hoạt động cách mạng từ trước tháng 08/1945; bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu có thời gian công tác liên tục đủ 25 năm trở lên; chế độ khám, chữa bệnh, điều dưỡng… đối với cán bộ, công nhân, viên chức về hưu hoặc nghỉ vì mất sức động có hưởng trợ cấp hàng tháng.

Nhằm quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động, từng bước xóa bỏ bao cấp, bảo đảm tính thống nhất của chế độ tiền lương trong cả nước, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, ngày 18/09/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 235-HĐBT về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ, chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền do quỹ hàng hóa bảo đảm. Tiếp sau đó, ngày 18/9/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236-HĐBT bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh xã hội. Theo quy định tại Nghị định này, nam công nhân viên chức đủ 60 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 55 tuổi) và có đủ 30 năm công tác; nữ công nhân, viên chức đủ 55 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 50 tuổi) và có đủ 25 năm công tác, thì được hưởng lương hưu. Mức lương hưu hàng tháng đối với nam có đủ 30 năm công tác, đối với nữ có đủ 25 năm công tác, được tính bằng 75% lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có); ngoài ra, mỗi năm công tác được thêm 1%, tối đa không quá 95% lương chính và phụ cấp thâm niên. Các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp mất sức lao động cũng thay đổi, tùy theo thời gian công tác để nhận trợ cấp hằng tháng hoặc một lần, cụ thể: Công nhân, viên chức vì ốm đau (không phải do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không phải do tai nạn lao động) mà mất sức lao động từ 61% trở lên hoặc vì già yếu hết tuổi lao động được nghỉ việc thì hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nếu có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên. Nếu chưa có đủ 15 năm công tác thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 01 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Các quy định về hưởng trợ cấp mất sức lao động cũng được quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh tình trạng gian lận hưởng chế độ… Các chế độ quy định tại Nghị định này đã được áp dụng tính trên cơ sở nền lương tối thiểu ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT.

Thời kỳ này, Quỹ BHXH được hình thành từ sự đóng góp của cơ quan, xí nghiệp với mức đóng bằng 13% so với quỹ lương. Trong đó, tách làm 02 khoản: 8% chi cho 03 chế độ mất sức lao động, hưu trí và tử tuất; 5% cho 03 chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ- BNN. Các mức đóng góp này thực tế không đủ để chi cho chế độ hưu trí, mất sức lao động, tử tuất, vì vậy, hàng năm ngân sách nhà nước đều phải cấp bù, năm sau cao hơn năm trước, đến năm 1993, mức bù vào Quỹ BHXH lên tới 92,7%.

Về hệ thống quản lý BHXH, giai đoạn này vẫn được chia thành 02 nhánh riêng biệt: Chế độ ngắn hạn (ốm đau, TNLĐ – BNN, trợ cấp thai sản) Chính phủ giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có chức năng xây dựng các văn bản pháp luật, vừa có chức năng tổ chức thực hiện chính sách; chế độ dài hạn (hưu trí, mất sức lao động, tử tuất) do Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội vừa xây dựng văn bản pháp luật, vừa tổ chức thực hiện. Như vậy, chính sách BHXH đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và trước khi nước ta thực hiện đường lối đổi mới đã có nhiều tiến bộ. Một mặt, tiếp tục thể hiện sự ưu việt của hệ thống chính sách xã hội chủ nghĩa, giải quyết được những tồn tại trong thực hiện chính sách cho người lao động giữa hai miền Nam - Bắc; mặt khác, từng bước tiến tới công bằng giữa thời gian cống hiến - thụ hưởng, là bước khởi đầu quan trọng để tiến tới thực hiện xóa bỏ cơ chế bao cấp./.

ThS. Dương Ngọc Ánh