Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019
07/08/2019 03:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 06/8/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) ban hành Văn bản số 3304/LĐTBXH-BĐG hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em
Tháng hành động năm 2019 có chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” được tổ chức từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/12/2019.
Bộ LĐ-TBXH cho biết, thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, từ năm 2016, Bộ LĐ-TBXH đã chủ trì tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Sau 3 năm triển khai, Tháng hành động đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức trong việc chung tay đấu tranh xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Số lượng hoạt động, số người tham gia năm sau đều tăng hơn so với năm trước, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; từng bước giảm dần số vụ bạo lực đối với phụ nữ.
Mục đích của Tháng hành động nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tổ chức các hoạt động đồng bộ, rộng khắp
Bộ LĐ-TBXH yêu cầu các hoạt động của Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng về truyền thông. Chú trọng các hoạt động ở cấp cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Để Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn quốc, LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ các cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và ban hành hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động trong Tháng hành động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động bằng các hình thức phù hợp như: Tổ chức mít tinh, biểu diễn nghệ thuật, thắp sáng một số địa điểm bằng đèn màu cam trong Tháng hành động, diễu hành tại các trục đường chính, nơi công cộng, khu vực trung tâm và đông dân cư.
Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Trung ương và địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền; Thực hiện tuyên truyền trên hệ thống thông tin và truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; Đẩy mạnh truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, báo mạng, các kênh mạng xã hội...
Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2019 để tuyên truyền và phát hiện ra các khó khăn, hạn chế; Đề xuất, xây dựng các chính sách, chương trình, dự án về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới (thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác, thi sân khấu hóa, hội diễn tuyên truyền viên giỏi), giao lưu văn nghệ, thể thao...; Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân, gặp mặt, biểu dương những điển hình, điểm sáng và cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2019 nói riêng.
Sản xuất, phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng.
Bộ LĐ-TBXH cũng yêu cầu đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Đặc biệt, xử lý nghiêm khắc các vụ việc vi phạm./.
Nguyên Hồng
Chi tiết >>
Bảo hiểm xã hội
BHXH bắt buộc
BHXH tự nguyện
Bảo hiểm y tế
Thông tin cơ sở
Bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin khác
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...