Hỗ trợ gần 67 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho người dân bảo vệ rừng

06/08/2019 03:41 PM


Hơn 10 năm qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp khoảng 67 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ở 05 tỉnh phía bắc để chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, từ năm 2008 đến nay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính, Tổng cục DTNN đã xuất cấp khoảng 67 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Cụ thể, nguồn gạo trên đã được cấp cho các hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang (tại 06 huyện vùng cao núi đá: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần); Bắc Giang (tại hai huyện Lục Ngạn, Lục Nam); Nghệ An (tại 04 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong); Thanh Hóa (tại 05 huyện: Mường Lát, Thường Xuân, Quan Sơn, Lang Chánh, Như Xuân) và Sơn La (05 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên).

Đây là hoạt động triển khai Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; áp dụng quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, cũng như Thông tư liên tịch số 93/2016 giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. 

Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ. Nhờ vậy, gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho các địa phương đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và theo đúng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của UBND các tỉnh. 

Công tác hỗ trợ này giúp người dân thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên. Qua đó, thu hút các hộ gia đình tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội./.

PV