Tọa đàm chuyên gia “Về thực trạng quản lý, sử dụng quỹ BHYT và kết quả thực hiện nghị quyết 68/2013/QH13”

05/08/2019 10:30 AM


Vừa qua, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia “Về thực trạng quản lý, sử dụng Quỹ BHYT và kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13”. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Tọa đàm.

Ảnh minh họa.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết, năm 2018 là năm thứ 10 thực hiện Luật BHYT và năm thứ 4 thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Quỹ BHYT được sử dụng đúng mục đích, quản lý tập trung, thống nhất, hạch toán độc lập với các quỹ thành phần do BHXH Việt Nam quản lý. Số kế toán, chứng từ kế toán, hạch toán kế toán, thanh quyết toán các khoản thu, chi BHYT được thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và chế độ kế toán BHXH do Bộ Tài chính ban hành. Cơ quan BHXH đã thực hiện tạm ứng kinh phí cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đảm bảo đúng quy định của Luật BHYT.

Về giải pháp quản lý, sử dụng, cân đối quỹ BHYT, đại diện Bộ Y tế nêu rõ, cần tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện hệ thống các văn quy phạm pháp luật về KCB và BHYT; đảm bảo ổn định và tăng nguồn thu quỹ BHYT theo quy định; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, kiểm soát sử dụng dịch vụ; Giảm chi phí tiền thuốc, vật tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT, trọng tâm là nâng cao nhận thức về chính sách BHYT đối với an sinh xã hội, trách nhiệm trong sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, hợp lý, đúng pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT…

Việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân, đại diện Bộ Y tế chỉ rõ, Nghị quyết số 68/2013/QH13 đã giao chỉ tiêu: "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, như: Bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình; bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Tăng cường truyền thông, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chỉ đạo Sở Y tế và BHXH tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng để báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cân đối nguồn tài chính hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến BHYT.

Thảo luận tại tọa đàm, một số đại biểu chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân gây gia tăng chi phí khám chữa bệnh và vượt quỹ BHYT là do thực tế mức đóng BHYT còn thấp nhưng chi phí khám chữa bệnh cho những đối tượng bệnh nặng hiểm nghèo rất cao. Do nhiều nguyên nhân gây gia tăng chi phí khám chữa bệnh (thay đổi giá dịch vụ y tế, áp dụng kỹ thuật mới, tỷ lệ người mắc bệnh nặng, chi phí cao so với dự kiến, dịch bệnh bùng phát, tăng tần suất KCB, chi đa tuyến đi của bệnh nhân đi KCB vượt tuyến, trái tuyến, cấp cứu, bệnh nặng, do sử dụng thuốc và vật tư y tế mới) trong khi thực tế mức đóng BHYT còn thấp dẫn đến tình trạng vượt trần, vượt quỹ BHYT là tất yếu.

Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết của các đại biểu tham dự và đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành hữu quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện các báo cáo; đồng thời đối với những vấn đề còn vướng mắc thì Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần giải trình cho rõ tới các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước./.

PV