Nâng cao năng lực quản lý, cập nhật thông tin khoa học - công nghệ trang thiết bị y tế

29/07/2019 04:23 PM


Trong hai ngày 26-27/7/2019, tại Đà Nẵng, Hội Thiết bị Y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia chuyên ngành kỹ thuật trang thiết bị y tế (TTBYT) với chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý, cập nhật thông tin khoa học - công nghệ trang thiết bị y tế”. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế cùng 400 đại biểu là lãnh đạo một số Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện, các cán bộ kỹ thuật TTBYT, đại diện các Hội nghề nghiệp trong ngành y tế có liên quan.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: TTBYT là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị bệnh được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Với sự phát triển của khoa học, ngày nay, TTBYT không chỉ giúp nối dài các giác quan mà còn kéo dài cánh tay cho các thầy thuốc vươn tới các góc cạnh khó tiếp cận của các tổn thương bên trong cơ thể như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot… giúp bác sỹ đưa ra các quyết định một cách sáng suốt, đúng đắn và hiệu quả nhất trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh…

Báo cáo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị Y tế Việt Nam Hà Đắc Biên cho biết: Việc đào tạo về kỹ thuật TTBYT là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay, vì TTBYT là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan tới tính mạng người bệnh, nhân viên y tế và môi sinh, do vậy người vận hành và bảo dưỡng cần phải được cập nhật kiến thức thường xuyên thông qua đào tạo liên tục. Tuy nhiên, để công tác đào tạo chuyên ngành kỹ thuật TTBYT được triển khai đồng bộ và rộng khắp, Bộ Y tế cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết gửi tới các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc.

Để tiếp cận và ứng dụng tốt các công nghệ mới trong lĩnh vực TTBYT, việc đào tạo liên tục cho chuyên ngành kỹ thuật TTBYT là rất cần thiết, do TTBYT là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhân viên y tế và môi sinh. Hơn nữa, các TTBYT này được các nhà sản xuất liên tục cải tiến, cập nhật các tiến bộ mới nhất của các chuyên ngành như: Điện tử, quang học, tin học, sinh hóa học, vật liệu học… thì người vận hành và bảo dưỡng cũng phải cập nhật kiến thức thường xuyên thông qua đào tạo liên tục.

Đến nay Hội Trang thiết bị Y tế Việt Nam đã xây dựng 07 chương trình phục vụ công tác đào tạo liên tục đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp mã số đào tạo; 03 modun hướng dẫn sử dụng và bảo quản chính xác an toàn thiết bị X.quang, hướng dẫn sử dụng và bảo quản an toàn thiết bị giúp thở và máy gây mê giúp thở, hướng dẫn sử dụng an toàn các hệ thống màn hình (monitor) theo dõi bệnh nhân cũng như trung tâm monitor được Bộ Y tế thẩm định và cho phép đào tạo.

Về vấn đề quản lý TTBYT trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế chia sẻ các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tăng cường quản lý, kiểm tra và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đảm bảo việc quản lý, phân loại TTBYT chính xác theo đúng các qui định của pháp luật; tập trung thẩm định và cấp số đăng ký lưu hành TTBYT loại B,C và D đáp ứng thời điểm có hiệu lực vào ngày 01/01/2020 theo qui định; triển khai thực hiện việc áp dụng bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN từ ngày 01/7/2020; thiết lập và triển khai hệ thống giám sát sau cấp phép lưu hành TTBYT, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả TTBYT lưu hành trên thị trường; xây dựng và trình ban hành luật TTBYT vào năm 2021...

Gần 30 báo cáo đã được trình bày tại hội thảo, tập trung vào TTBYT trong công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong y tế như:  Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong y tế; vai trò của công nghệ trong phẫu thuật tim hở ít xâm lấn; T-DOC: giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý dụng cụ trong phòng mổ và kiểm soát nhiễm khuẩn; bệnh viện công nghệ số; tự động hóa hoàn toàn kết hợp giải pháp IT trong xét nghiệm; y học dữ liệu; công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật phủ chất kháng khuẩn nano sử dụng trong y tế…/.

PV