Thúc đẩy việc bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động

16/07/2019 04:50 PM


Trong 02 ngày 15-16/7, Đại học Luật TPHCM và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Thách thức Toàn cầu và Ứng phó của địa phương: Chuyển đổi quan hệ lao động công nghiệp và khung pháp lý tại Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi”.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của gần 100 chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về khung pháp lý và quan hệ lao động (QHLĐ) với sự đồng tài trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Viện Friederich Ebert Stiffung (Đức), Đại học Melbourne, Đại học Monash (Úc) và cộng tác của Mạng lưới Nghiên cứu Lao động (LRN).

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Hiệu phó Phụ trách Đại học Luật TPHCM, nhấn mạnh: Mục đích của hội thảo là thảo luận và trao đổi dưới góc độ khoa học những vấn đề mang tính thời sự về sự chuyển đổi của QHLĐ trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế, từ đó góp phần đề xuất các mô hình QHLĐ và khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ này tại Việt Nam.

Hội thảo không chỉ là cơ hội tăng cường sự trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập Công ước số 98 của ILO và đang thúc đẩy các hoạt động tham vấn ý kiến các tầng lớp xã hội để hoàn thiện Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO cũng như các cam kết trong các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA; từ đó thúc đẩy việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của NLĐ trong lộ trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Hội thảo thảo luận, bàn sâu 5 chuyên đề: Cải cách và thực thi Pháp luật Lao động: Kinh nghiệm từ Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác; Toàn cầu hóa và Quan hệ giới trong các khu vực chính thức và phi chính thức; Các góc nhìn khác nhau về lao động, Giới chủ và Nhà nước trong nền kinh tế Toàn cầu hóa: Kinh nghiệm của Việt Nam, Trung Quốc và Đông Nam Á; Phi chính thức hóa Lao động, Các thách thức đối với QHLĐ và Pháp luật lao động; Di cư Quốc tế, Di cư nông thôn - đô thị, Quyền Lao động di cư và trẻ em./.

PV