Báo chí truyền thông BHXH, BHYT, vì sự phát triển bền vững chính sách an sinh xã hội

21/06/2019 06:26 AM


Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH, BHYT là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Nói cách khác, an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đồng thời là vấn đề mang tính cấp bách cho sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia, khu vực. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH, BHYT ngày càng giữ vai trò đắc lực trong việc góp phần bảo đảm công bằng xã hội và phát triển xã hội một cách bền vững. Thực tế cho thấy, vai trò của BHXH, BHYT càng ngày càng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH, BHYT hoặc hiểu chưa sâu sắc về chính sách, dẫn đến tình trạng ý thức tham gia chưa đầy đủ và thiếu tính chủ động.

Với vai trò đặc biệt quan trọng đó, trong những năm qua, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn là nguồn đề tài phong phú, đa dạng để báo chí khai thác và sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết, chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH, BHYT nói chung, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội. Dù thế giới đã có vô vàn các hình thức truyền tải thông tin, liên kết xã hội thông minh, song sự nổi trội về trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chính trị của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên vẫn tạo cho báo chí vị thế vững chắc, bởi đó là niềm tin, là sự gửi gắm trách nhiệm của cả cộng đồng. Sức mạnh của sự thật, khiến báo chí có uy lực và cũng đòi hỏi trách nhiệm luôn gắn bó, đồng hành và phục vụ mọi mục tiêu phát triển của đất nước nói chung và vì con người nói riêng, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội.

Như một người bạn đồng hành, một "đối tác" quan trọng, báo chí đã truyền tải các thông điệp về BHXH, BHYT một cách rõ ràng, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển biến nhận thức, khẳng định vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa những người làm báo và người làm công tác BHXH, BHYT ngày càng trở nên mật thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Thông qua các cơ quan báo chí, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được tiến hành mạnh mẽ với độ bao phủ rộng khắp, tần suất tăng. Hình thức truyền thông được thể hiện phong phú, nội dung bảo đảm trọng tâm, trọng điểm về những điểm mới của Luật BHXH, BHYT, dự báo tác động quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động. Hội Nhà báo Việt Nam, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHXH, BHYT; cổ vũ, động viên nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xuất hiện nhiều bài báo, phóng sự phát thanh, truyền hình… về BHXH, BHYT được thể hiện một cách chân thực, sinh động, lối cuốn người đọc, người xem, phản ánh những khó khăn trở ngại, những cách làm hay, điển hình tốt cũng như những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… đã mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT. Mặt khác, báo chí cũng chính là một kênh tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, đóng góp quan trọng cho hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT được vận hành một cách minh bạch, rõ ràng. Với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin BHXH, BHYT nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Trên thực tế, người dân biết và tiếp nhận thông tin về BHXH, BHYT phổ biến nhất qua kênh báo chí chuyển tải. Các phương tiện truyền thông, báo chí luôn dành số lượng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng truyền thông phù hợp nhằm nhân rộng những điển hình, nhân tố tích cực, cổ vũ các phong trào, góp phần củng cố, khẳng định niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, qua báo chí, những góc khuất, các vấn đề bức xúc về BHXH, BHYT trong đời sống xã hội cũng được kịp thời phản ánh. Đó là những bài viết, phóng sự, phóng sự điều tra góp phần đưa nhiều vụ việc tiêu cực, các hành vi lợi dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT; những cảnh báo về các cách thức trốn đóng BHXH cho người lao động;… ra ánh sáng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả công tác phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, xu hướng truyền thông đa phương tiện và hội tụ đã và đang tác động trực tiếp tới kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, ảnh hưởng trực tiếp đến "môi trường sinh thái" của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông về BHXH, BHYT. Một số tin, bài phản ánh trên báo chí thời gian qua chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt khiến một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH, BHYT,… dẫn đến tình trạng ý thức tham gia chưa đầy đủ và thiếu tính tự nguyện cao. Cá biệt, vẫn còn có tình trạng “giật title, câu view” trong lĩnh vực thông tin về BHXH, BHYT tại một số ít cơ quan báo chí, đi ngược lại với quan điểm, chủ trương phát triển chính sách của Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của chính sách BHXH, BHYT – hai chính sách trụ cột chính quan trọng của hệ thống an sinh xã hội Quốc gia. Việc tuyên truyền không đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của một vài cơ quan báo chí vẫn còn có hiện tượng tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của chính sách và hoạt động BHXH…

Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội bền vững, đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân là rất quan trọng. Rất nhiều vấn đề mới và khó liên quan đến an sinh xã hội đang đặt ra cấp thiết, cần làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách an sinh xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trên thực tế, không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia BHXH, BHYT, bởi họ chưa thực sự hiểu sâu sắc ý nghĩa, vai trò của hai chính sách này. Bên cạnh đó, thông tin về BHXH, BHYT đã được đăng tải đều đặn trên tất cả các loại hình báo chí với nhiều hình thức thể hiện khác nhau, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nội dung truyền thông về lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn; những hạn chế tiêu cực trong thực thi chính sách BHXH, BHYT vẫn chưa có điều kiện phân tích chuyên sâu và liên tục về nguyên nhân, hậu quả; một số tin, bài chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt; một số thông tin mà báo chí phản ánh còn đôi chỗ cho thấy cách nhìn nhận vấn đề của các phóng viên chưa đủ thấu đáo, đôi khi chỉ nhìn mặt bất cập trước mắt mà không đặt mục tiêu cho việc củng cố, xây dựng niềm tin của độc giả, của xã hội vào chính sách lên trên hết và trước hết, dẫn đến thông tin chưa đầy đủ, đa chiều, làm suy giảm lòng tin của người dân về chính sách, làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách của các bộ ngành, chức năng…

Thực tế trên đòi hỏi công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần phải được đổi mới, sáng tạo hiệu quả, nhằm đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Sự chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyệt phục, kể cả việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến BHXH, BHYT là hết sức cần thiết; cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về BHXH, BHYT cho từng đối tượng khác nhau. Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội để có một góc nhìn sâu sắc, đánh giá sắc sảo và sự phân tích chính xác về vài trò của BHXH, BHYT với sự phát triển của đất nước. Các cơ quan báo chí và nhà báo cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi chính sách về BHXH, BHYT, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về lĩnh vực BHXH, BHYT.

Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam luôn ý thức rõ ỹ nghĩa và tầm quan trọng của công tác truyền thông về lĩnh vực BHXH, BHYT. Do đó luôn có những lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông, làm chuyển biến nhận thức của toàn dân đối với hệ thống chính sách BHXH, BHYT, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Từ thực tiễn thời gian qua, một số nội dung trọng tâm cần được các cơ quan báo chí tập trung trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, tích cực trao đổi, cập nhật thông tin về BHXH, BHYT để có thêm những tư liệu, kiến thức về lĩnh vực này, từ đó sáng tạo ra các tác phẩm có hiệu ứng xã hội cao, với những cách thức chuyển tải chính sách sinhg động, linh hoạt và hấp dấn hơn nữa; song song đó cần tiếp tục nhìn nhận một cách khách quan và phân tích chỉ rõ một số bất cập, sai sót còn gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại có việc thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, gây ảnh hưởng gián tiếp tới việc củng cố niềm tin của nhân dân, NLĐ với các chính sách an sinh xã hội nhân văn của đất nước.

BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.

Thứ ba, Bộ Luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, trong đó lần đầu tiên quy định hình sự hóa với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN; thể hiện bước phát triển mới nhằm bảo vệ tối ưu hơn nữa quyền lợi an sinh thiết thân của người lao động, hướng tới việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của mọi công dân. Do đó, thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên phụ trách lĩnh vực này cần tích cực truyền thông sâu rộng những nội dung này, nhằm giảm thiểu tỷ lệ trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT cho NLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp; góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ các bên liên quan.

Thứ tư, các nhà báo, phóng viên cần đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; không ngừng nâng cao chất lượng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí; lấy mục tiêu truyền thông xây dựng chính sách an sinh xã hội bền vững của đất nước, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho nhân dân và người lao động làm kim chỉ nam trong việc tác nghiệp.

Thứ năm, tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ ban hành Quy chế sử dụng mạng xã hội đối với hội viên Hội Nhà báo. Các nhà báo, phóng viên cần thực hiện nghiêm túc Quy chế này, sử dụng có hiệu quả các tài khoản mạng xã hội của cá nhân trong việc truyền thông chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nói riêng với mục tiêu vì sự phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội Quốc gia, vì sự phát triển phồn vinh đất nước.

Tin tưởng rằng, với trách nhiệm và nhiệt huyết của các bạn trong công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội; tiếp tục củng cố, khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là hết sức cần thiết trong đời sống nhân dân và NLĐ; góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam