90,70% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

13/06/2019 01:04 PM


Sáng ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành.

 

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại phiên họp, với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70 tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công(sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Về nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật quy định: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;  Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Luật được thông qua với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành. Ảnh quochoi.vn

Luật quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu  chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

PV