“Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau”

23/05/2019 03:12 AM


Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 72 Đại hội đồng Y tế thế giới, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại WH72.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới WHA72 diễn ra từ ngày 20/5 - 28/5/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ với chủ đề “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu, trong đó nêu rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó mọi người dân - bất kể họ là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế hay không - đều có thể tiếp cập được các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.

Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo  mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và BHYT chi trả. Ngân sách nhà nước chi trả cho các dịch vụ dự phòng và bao phủ 100% các đối tượng thuộc các chương trình y tế, trong khi chương trình BHYT chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và đến nay đã bao phủ được 88% dân số.

Để đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính, chính phủ trợ cấp 100% phí BHYT cho tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già từ 85 tuổi trở lên; trợ cấp 70% phí BHYT cho người cận nghèo.

Các mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và Phát triển bền vững (SDG3) chỉ có thể đạt được thông qua việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).

Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dân, xây dựng kế hoạch hành động tổng thể với cam kết cao về mặt chính trị để nâng cao năng lực cho hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; bao gồm tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh sớm tập trung vào các bệnh không lây nhiễm. Đổi mới cơ chế tài  chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là những nội dung của đổi mới CSSKBĐ hướng tới bao phủ CSSK toàn dân.

Việt Nam cũng đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính từ vốn vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, WHO, Quỹ Toàn cầu, EU và các đối tác phát triển để tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đổi mới cơ chế tài chính y tế.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trên cơ sở chuyển hướng từ các dịch vụ chăm sóc dựa vào bệnh viện và chữa bệnh sang chú trọng vào dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và phòng bệnh như Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định có rất nhiều việc cần làm để đổi mới hệ thống y tế theo định hướng lấy CSSKBĐ làm nền tảng với chất lượng, hiệu quả, công bằng để đạt được mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên là rất quan trọng và Việt Nam tin rằng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể đảm bảo mọi người dân có sức khỏe và phúc lợi tốt hơn.

Chương trình nghị sự của Kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA72) bao gồm các nội dung: Các vấn đề ưu tiên chiến lược như Chương trình ngân sách 2020-2021; Ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; Chứng nhận hoàn thành giai đoạn chuyển đổi và sau chuyển đổi bệnh bại liệt; Thực hiện Chương trình phát triển bền vững 2030; Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Sức khỏe, môi trường và biến đổi khí hậu; Tiếp cận với thuốc và vắc xin; Chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến sức khỏe (kháng kháng sinh; Phòng chống các bệnh không lây nhiễm; Chấm dứt bệnh Lao)./.

PV