Tham gia BHXH cho người lao động phải là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp

22/05/2019 03:00 PM


Sáng 22/5, UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có: Lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội; đại diện các sở, ngành liên quan cùng hơn 200 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ ý kiến tại Hội nghị

Theo báo cáo của BHXH Thành phố, hết năm 2018, Hà Nội có 27.648 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 979,7 tỷ đồng, chiếm 2,53% kế hoạch thu, giảm 1,45% so với năm 2017. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2019, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng so với cuối năm 2018 khi: Số đơn vị nợ tăng lên 37.557 và tổng số tiền nợ phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị có số nợ lớn, kéo dài như: Công ty Cổ phần LILAMA 3 (71 tháng; 33,1 tỷ đồng); Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (18 tháng; 21,8 tỷ đồng); Công ty CP Cầu 12 (28 tháng; 21,2 tỷ đồng); Công ty CP xây dựng Công trình giao thông 1 - Hà Nội (65 tháng; 20,8 tỷ đồng)…

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu những nguyên nhân của tình trạng nợ đọng này. Theo đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, không thu hồi được vốn đầu tư, bị đối tác nợ đọng kéo dài. Một số doanh nghiệp nội bộ xẩy ra tranh chấp quyền điều hành gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động… 

Ngoài các nguyên nhân trên, theo BHXH TP.Hà Nội: Thời gian qua, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên địa bàn có chiều hướng tăng và việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp này gặp khó do chưa có quy định, hướng dẫn của pháp luật. Đến ngày 30/4/2019, Hà Nội có trên 7.000 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 781,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở một số nơi chưa sâu sát, quyết liệt, chưa thường xuyên, liên tục; số cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn quận, huyện, thị xã còn ít. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được quan tâm nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, sâu rộng, hình thức và nội dung tuyên truyền vẫn còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm với những chia sẻ, nhận định trên, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn hạn chế; chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo.

“Các doanh nghiệp cần xác định việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động phải luôn là ưu tiên số 1 của đơn vị. Bởi với doanh nghiệp, người lao động là tài sản lớn nhất, tạo ra giá trị, lợi nhuận. Doanh nghiệp càng khó khăn thì việc chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động càng phải được quan tâm để họ yên tâm, cống hiến cùng đơn vị vượt qua thử thách”- ông Quý chia sẻ.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng nêu những kiến nghị, mong muốn; trong đó, tập trung vào các đề xuất: Giảm lãi suất tính lãi chậm nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Khoanh những khoản nợ cũ để không phải tính lãi chậm nộp; tách đóng cho từng người lao động khi cần giải quyết chế độ hưu trí hay chuyển đơn vị.

Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hoà giải đáp vướng mắc, kiến nghị tại Hội nghị

Về những kiến nghị này, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP.Hà Nội giải đáp: Việc tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 5, Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính được thực hiện với công thức chung trên cả nước, cơ quan BHXH không có thẩm quyền thay đổi. Về khoanh nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để không phải tính lãi chậm nộp, hiện cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép thực hiện. Còn việc tách đóng cho từng người lao động trong doanh nghiệp nợ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định về quy trình, thủ tục thực hiện. Quy định này là giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như tạo điều kiện, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: 4 tháng đầu năm 2019, tình hình nợ đọng BHXH, trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng lên; đây là một điều đáng lo ngại đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2019 của toàn thành phố xuống dưới 2% số phải thu.

Theo đó, UBND Thành phố giao cơ quan BHXH rà soát từng doanh nghiệp nợ với những nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và các sở ngành liên quan để cùng nghiên cứu tìm hướng tháo gỡ, giải quyết.

Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt trong việc thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra, xử phạt, tuyên truyền. Đặc biệt, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa Án nhân dân xem xét, hoàn thiện quy trình, thủ tục xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo Bộ luật Hình sự. Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về phía các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, chủ sử dụng lao động tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp, cam kết thời điểm trả dứt điểm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phạm Chính