Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại Việt Nam có nhiều thành tựu

17/05/2019 02:44 PM


Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại sự kiện Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bộ Y tế phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard và các đối tác đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 16/5.

Các đại biểu thảo luận tại đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đối thoại nhằm chia sẻ các thách thức và cơ hội về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyển tuyến trong hệ thống y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế chỉ đạo; đạt được sự đồng thuận từ Bộ Y tế, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về một tầm nhìn chung trong đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam…

Phát biểu tại đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, chủ đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại các diễn đàn toàn cầu nói chung và tại các quốc gia nói riêng.

Vào ngày 25/10/2018, tại thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên bố Astana đã chính thức được đưa ra tại Hội nghị toàn cầu về CSSKBĐ. Theo đó, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc đã nhất trí cam kết tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu như một "bước quan trọng" để đạt được bao phủ y tế toàn dân cho tất cả mọi người.

Tại đối thoại, đại diện Bộ Y tế cho hay, cải thiện sức khỏe cộng đồng đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống phúc lợi cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân và sức khỏe của người dân. Việt Nam đã và đang đáp ứng hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đồng thời có được những bước tiến ấn tượng nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, vai trò của CSSKBĐ đã và đang được khẳng định và đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đề án 2384 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, và dự án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã phường trên 8 tỉnh thành phố. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn tồn tại những thách thức như: Bao phủ BHYT toàn dân, tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giảm các khoản chi phí phát sinh, nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Theo các chuyên gia, nếu các thách thức trên được giải quyết triệt để, Việt Nam sẽ trở thành một ví dụ điển hình trong khu vực và trên thế giới. Để vượt qua khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ sức mạnh của quan hệ đối tác công tư để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030 thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng cao.

Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu là dịp để thúc đẩy thảo luận giữa Chính phủ, hàn lâm, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về cách thức cùng đóng góp đầu tư tốt nhất thực hiện tầm nhìn về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.

Các nội dung được trình bày tại đối thoại gồm: Tầm nhìn - Chiến lược và ưu tiên của Chính phủ về tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân trước năm 2030; Đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu - Kinh nghiệm quốc tế áp dụng tại Việt Nam; Quan điểm của người dân và bệnh nhân về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam...

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030. Chúng tôi đã đạt được các thành tựu to lớn về hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và chúng tôi mong muốn tiếp tục đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu về y tế.

Hiện Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên phát triển một hệ thống y tế vững mạnh và rộng lớn, coi đây là nền tảng nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Bộ Y tế đã thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm chương trình Việt Nam khỏe mạnh, chương trình tăng cường y tế cơ sở và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này cần được đồng hành và thống nhất với nhau để tối ưu hóa các tác động của chúng.

Theo TS Dessislava Dimitrova, Trưởng bộ phận các hệ thống y tế, Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định, Việt Nam là quốc gia đi đầu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tạo ra một hình mẫu tuyệt vời khi hợp tác với các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan hàn lâm để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân chất lượng cao và có khả năng chi trả.

Vai trò của Diễn đàn kinh tế thế giới như là một diễn đàn trung lập nhằm thúc đẩy hình thức hợp tác giữa nhiều đối tác là rất quan trọng, đây cũng là nhu cầu ngày càng tăng của các Chính phủ trong việc hợp tác với lĩnh vực tư nhân và các đối tác khác để hỗ trợ đổi mới hệ thống y tế của quốc gia mình"- TS Dessislava Dimitrova nói./.

PV (t/h)