Thủ tướng giải đáp, tháo gỡ nhiều vướng mắc của công nhân về an sinh xã hội

21/05/2018 08:29 AM


Trong chương trình gặp gỡ đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp tại 11 tỉnh của vùng đồng bằng sông Hồng sáng 20/5 tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng đã giải đáp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động, trong đó vấn đề về tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) đặc biệt được quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VGP

Cùng dự chương trình gặp gỡ, đối thoại còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại chương trình đối thoại, nhiều công nhân lo lắng về việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49/2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân. Về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng: Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua ý kiến của anh chị em công nhân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.

Về vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương và BHXH của công nhân tại Thái Bình, Thủ tướng yêu cầu Bí thư tỉnh Thái Bình xác minh, có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với đơn vị nợ bảo hiểm, ông chỉ đạo địa phương xác nhận thời gian để giữ quyền lợi cho công nhân. Trường hợp đặc biệt Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng ngân sách. Ông cũng nhắc Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có mặt tại hội trường về việc phải xem xét kỹ năng lực tài chính của doanh nghiệp khi chọn đối tác.

Đối với đề xuất khám chữa bệnh ngoài giờ vẫn được hưởng BHYT. Thủ tướng khẳng định sức khỏe là vốn quý của bất kỳ ai, đặc biệt giai cấp công nhân càng cần có sức khỏe; đồng thời yêu cầu mọi công nhân phải có thẻ BHYT và trách nhiệm thuộc về người sử dụng lao động, Công đoàn giám sát để đảm bảo công nhân phải có quyền nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản phải được hưởng chế độ.

Giải đáp thêm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến hướng dẫn công nhân khi làm hợp đồng lao động cần có thêm mục khám chữa bệnh ngoài giờ. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với công nhân của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng nhà "Mái ấm công đoàn" cho các công nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh VGP.

Sau khoảng 100 phút đối thoại, giải đáp hàng loạt nguyện vọng, thắc mắc của công nhân, Thủ tướng cho rằng công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.

Đối với doanh nghiệp, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học - công nghệ ở từng doanh nghiệp...

Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt./.

PV (t/h)