Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam
14/12/2017 06:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo) đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Hội thảo là một trong các hoạt động để giúp Ban Soạn thảo Đề án Cải cách tiền lương tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quý báu hoàn thiện Đề án, trình Trung ương thảo luận vào giữa năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của các chuyên gia cho rằng, mức lương phải bảo đảm mức sống.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee,…; cùng các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực cải cách hành chính, kinh tế, tiền lương.
Công tác cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam đã được thực hiện từ những năm 1960 đến nay. Cải cách chính sách tiền lương đã tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tiền lương của NLĐ trong các DN; tách dần chính sách tiền lương với chính sách BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công; từng bước thể chế hoá quan hệ phân phối theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, tiếp cận xu hướng chung của thế giới; thiết lập quan hệ tiền lương khung “tối thiểu - trung bình - tối đa” và hệ thống thang, bảng lương theo chức danh, ngạch, bậc của hệ thống hành chính; việc tuyển dụng, xếp lương và trả lương đã từng bước gắn với năng suất lao động, hiệu quả công việc. Qua đó, chính sách tiền lương hiện hành đã cơ bản đáp ứng và góp phần cải thiện được mức sống theo chiều hướng tăng lên của đại đa số CBCCVC và những người hưởng lương trong khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế chính sách tiền lương vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định như: Vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ, vị trí việc làm, hiệu quả công việc cụ thể; chưa tạo động lực đủ mạnh để khuyến khích CBCCVC và NLĐ phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc; đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách Nhà nước;...
Công tác cải cách chính sách tiền lương là một nhiệm vụ khó khăn không chỉ riêng ở Việt Nam, do đó cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng hệ thống tiền lương hiện hành, chỉ ra những kết quả đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại, đồng thời, cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của quốc tế để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, lao động - công đoàn hay đại diện hiệp hội DN đều cho rằng Đảng, Nhà nước cần nhanh chóng chuẩn bị cho việc cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới nhằm tạo ra động lực tăng năng suất lao động và sự tăng trưởng của kinh tế - xã hội đất nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm về lý luận và thực tiễn cải cách chính sách tiền lương, trong đó tập trung vào những vấn đề như: Đánh giá thực trạng chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và NLĐ trong các DN; phân tích, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quản lý, điều hành, xây dựng và thực hiện chính sách; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải cách chính sách tiền lương, trong đó nêu ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và điều kiện áp dụng; đề xuất, kiến nghị về quan điểm, định hướng cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee khuyến nghị Việt Nam nên thiết kế chế độ lương dựa trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, việc quy định hệ số lương (theo cấp nhân) trong khối Nhà nước như hiện nay làm cho việc điều chỉnh, tính toán lương phức tạp, gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, khó so sánh tương quan giữa khu vực công - tư đối với những vị trí, cấp bậc tương đương.
Ông Chang Hee Lee cũng chỉ ra hạn chế của việc quy định trình độ bằng cấp chuyên môn của một số vị trí việc làm có thể gây ra phân biệt trong trả lương mà không coi trọng hiệu quả công việc, đồng thời khuyến nghị Việt Nam nên thiết kế chế độ lương dựa trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, cải cách chính sách tiền lương phải tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và tác động trực tiếp đến đời sống của CBCCVC và NLĐ. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đánh giá cao các đóng góp tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định lần cải cách chính sách tiền lương này, sẽ tiếp nối thành tựu của các lần cải cách trước đây; đặc biệt, Đảng, Nhà nước yêu cầu lần cải cách này phải thực hiện mạnh mẽ, căn bản hơn.
Với việc cải cách tiền lương trong khối hành chính Nhà nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Tổ Soạn thảo Đề án nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo ví trí việc làm khi coi đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính năng động. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết kinh nghiệm của nhiều nước là áp dụng linh hoạt 2 hình thức này và đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ cách thức áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của các chuyên gia cho rằng, mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực DN, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối. Ngoài ra, nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?