Việc làm cho phụ nữ khuyết tật: Cánh cửa vẫn còn hẹp
22/11/2017 02:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mong muốn có một việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân là khát khao của những người phụ nữ khuyết tật. Tuy nhiên do những định kiến vô hình khiến phụ nữ khuyết tật bị hạn chế trước những cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với cộng đồng.
Gian nan tìm việc
Để có được những thành công của ngày hôm nay em Nguyễn Thị Hà ở xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã phải nỗ lực rất nhiều trong hàng chục năm qua. Hà tâm sự: “Khi vừa tốt nghiệp Đại học, em đã đi tìm việc ở nhiều nơi, phỏng vấn thì ai cũng hài lòng với năng lực của em nhưng khi thấy đôi chân của em thì họ lại không nhận nữa. Em đã từng trải qua gần 10 lần đi nộp đơn xin việc và 5 lần phỏng vấn em mới có việc làm. Đến nay, với những nỗ lực của mình em đã tích lũy được một số vốn để mở cửa hàng tạp hóa do chính mình quản lý điều hành”.
Không may mắn có được cơ hội học tập đến nơi đến chốn như Hà, chị Nguyễn Thị Đào ở Hoài Đức, Hà Nội lúc lên 7 tuổi bị một trận sốt khiến đôi chân không thể đi lại được. Gia đình nghèo lại đông anh em, chị không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Khi trưởng thành, chị cũng mong muốn có được việc làm thu nhập để tự nuôi sống bản thân không phải sống dựa vào gia đình nhưng điều đó với chị là quá khó. “Mình cũng đã xin việc nhiều nơi nhưng không chỗ nào nhận, có chỗ thương cảm họ nhận vào làm nhưng được vài tháng lại có lý do này nọ rồi cho nghỉ. Những người khuyết tật như mình nếu có được công việc ổn định thì sẽ bớt nỗi tủi thân hơn” - chị Đào chia sẻ.
Theo số liệu năm 2015 của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, có tới 15% người khuyết tật nghe nói, nhóm đối tượng này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.
Trong chương trình khảo sát được thực hiện tại ba tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh với hơn 500 phụ nữ khuyết tật, TS.Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, có chưa tới 1/3 số phụ nữ khuyết tật (PNKT) có việc làm. Có những người đã từng đi làm, nhưng phải bỏ công việc vì nhiều lý do, trong đó phần nhiều họ không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Nhiều người bị sa thải hoặc từ chối do hiệu quả công việc thấp, bị kỳ thị, phân biệt, khó khăn trong việc đi lại.
Theo TS.Nguyễn Thu Hoài, PNKT bị kỳ thị từ khi tuyển dụng cho đến khi được tuyển dụng. Nhiều khi nhà tuyển dụng mang lại cho họ tâm lý khả năng sức khỏe của họ không đảm bảo công việc. Gia đình không đồng ý cho PNKT đi làm bởi lý do cho các chị ăn, ngủ là tốt lắm rồi, thời gian đưa các chị đi làm và đưa về thì thà để các chị ở nhà còn hơn. Những công việc phụ nữ khuyết tật đang làm thường là những công việc mang tính tự phát do không có nhiều lựa chọn. Chủ yếu là các lao động giản đơn, tỷ lệ được đào tạo nghề không cao và đào tạo rồi cũng không phải ai cũng làm được và có thu nhập. Cứ 4 người PNKT đang làm việc thì có một người phải làm việc trong điều kiện không tốt.
Tạo môi trường làm việc phù hợp cho PNKT
Bà Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc IDEA nhận định, PNKT không chỉ gặp những rào cản như những phụ nữ khác, mà còn thêm rào cản về tình trạng khuyết tật của họ. Vì thế, PNKT là một trong các nhóm yếu thế nhất trong xã hội bởi các lý do về giới tính, khuyết tật và sự nghèo đói. PNKT thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… PNKT cũng chịu nhiều tác động của nghèo đói do các rào cản về giới. Những khó khăn mà PNKT gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới và là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ.
Còn bà Nguyễn Quỳnh Trang - Điều phối viên của tổ chức ILO cho biết: Thách thức của lao động nữ khuyết tật khó tiếp cận với cơ hội việc làm đến từ hai phía là bản thân người khuyết tật và xã hội. Trong đó, từ phía xã hội còn nhiều rào cản về vật lý, thông tin truyền thông, kỹ thuật, hệ thống các trường nghề.... Qua khảo sát của ILO cùng một số đối tác, hiện các trường dạy nghề vẫn thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu, kỹ năng làm việc của giáo viên và chưa tiếp cận được với người khuyết tật.
Bà Trang cho rằng: Thúc đẩy việc làm cho PNKT cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý Nhà nước; doanh nghiệp; các hiệp hội đoàn thể và bản thân người khuyết tật. Chỉ có “Đi làm và có công việc là một cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất và khẳng định giá trị bản thân tốt đối với người khuyết tật”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo TS.Nguyễn Thị Thu Hoài, để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ khuyết tật, cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là với nhóm PNKT trẻ tuổi - nhóm có thu nhập bấp bênh nhất, đang học và làm một nghề không được bảo đảm. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin, tư vấn và giới thiệu việc làm cho PNKT, hỗ trợ vốn, phương tiện đi lại. Đồng thời, có phương hướng thức đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong vấn đề tạo việc làm cho PNKT; tích cực truyền thông, giảm kỳ thị với người khuyết tật nói chung và PNKT nói riêng. Ngoài ra, chủ trương tạo ra việc làm bền vững cho PNKT cũng cần thay đổi. Đó là cách đào tạo nghề cho PNKT để phù hợp với khả năng của họ. Đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc phù hợp với nhóm yếu thế này, từ cơ sở hạ tầng, trợ giúp về phương tiện đi lại và sinh hoạt, bồi dưỡng kỹ năng sống và kỹ năng pháp lý./.
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?