"BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách BHXH theo hướng đa tầng"
12/11/2017 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công trong chương trình khảo sát về tiền lương, BHXH tại BHXH Việt Nam của Ban Chỉ đạo chiều qua (11/11).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: “quỹ BHXH do Nhà nước bảo trợ, không có chuyện vỡ quỹ xảy ra”.
Tham dự chương trình khảo sát, về phía Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công có: Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Phó Trưởng Ban thường trực; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Phó Trưởng Ban; cùng một số thành viên trong Ban. Về phía BHXH Việt Nam có: Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh; cùng các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo một số Vụ, đơn vị có liên quan.
Báo cáo của BHXH Việt Nam nhận định, thời gian qua, việc thực hiện chính sách tiền lương đã cơ bản chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bước đầu khắc phục được tình trạng bình quân, cào bằng trong phân phối tiền lương, thu nhập. Bên cạnh đó, việc giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp đã phát huy tính chủ động sáng tạo, các mô hình quản lý khu vực sự nghiệp công đang dần hoàn thiện và phát huy hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, những cải cách về tiền lương vẫn chưa thực sự là đòn bẩy kinh tế để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Thang bảng lương phức tạp, chưa phản ánh đúng mức độ cống hiến; mối quan hệ tương quan giữa các khu vực công chức hành chính, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp còn chưa hợp lý. Tiền lương chưa phát huy được vai trò là động lưc cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; chính sách tiền lương khu vực DN chưa phản ánh đúng thu nhập thực tế.
Theo đó, BHXH Việt Nam cho rằng, cải cách chính sách tiền lương sẽ là giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực lao động cho đội ngũ công chức, viên chức, NLĐ; quá trình cải cách phải gắn mật thiết với cải cách tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, trong các giai đoạn từ năm 1995 đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện để thống nhất thực hiện việc thu, chi, quản lý quỹ BHXH, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trước mắt cũng như lâu dài. Đối tượng tham gia BHXH ngày một gia tăng, nếu như năm 1995, số người tham gia mới chỉ đạt 2,276 triệu người, với đối tượng chủ yếu là lao động trong khu vực Nhà nước, thì tính đến hết tháng 9/2017, số người tham gia là 14.663.300 triệu người với độ bao phủ tới cả các khu vực lao động trong và ngoài Nhà nước, với khối lao động chính thức và phi chính thức,… Theo đó, việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH luôn được Ngành BHXH đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời, với các thủ tục hành chính ngày càng được tinh giản, tạo thuận lợi cho người tham gia và các đơn vị khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Đối tượng tham gia tăng cao qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ngày một tăng cao tại các địa phương làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ;…
Song song đó, chính sách BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, còn mang tính bao cấp, quyền lợi được hưởng ở mức cao hơn mức đóng góp,... nên ảnh hưởng tới việc cân đối quỹ BHXH; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế của NLĐ; tỷ lệ hưởng lương hưu cao, trong khi thời gian hưởng lại dài; số người hưởng BHXH một lần không giảm mà mà có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ khi hết tuổi lao động…
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi khảo sát, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất cho rằng, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH của Ngành BHXH thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của Ngành BHXH đã tạo những bước chuyển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả cụ thể trong việc quản lý, thực hiện chính sách BHXH; công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai, góp phần làm cho các cơ quan quản lý, người dân và DN ngày càng nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH đối với an sinh xã hội.
Tuy nhiên, các ý kiến, thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo đều tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Việc làm sao để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, đảm bảo phát triển quỹ BHXH bền vững; mở rộng đối tượng tham gia để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ khi nghỉ hưu; hay việc cấp thiết hiện nay là đưa ra các giải pháp nào để giảm hiệu quả tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, đảm bảo các quyền lợi an sinh thiết thân cho NLĐ;...
Phát biểu kết luận chương trình khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, thời gian qua BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt các chính sách liên quan tới tiền lương và BHXH. BHXH Việt Nam là cơ quan đầu tiên của Nhà nước hoàn thành xác định vị trí việc làm để sắp xếp lại bộ máy, tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách BHXH theo hướng đa tầng (tầng do ngân sách Nhà nước đảm bảo; tầng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng; tầng BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước); khi tiến hành phân tích, đánh giá và xây dựng định hướng phát triển chính sách BHXH phải đảm bảo nguyên tắc: Đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro, đảm bảo cân đối quỹ BHXH; thiết kế chính sách hướng tới từng giai đoạn, với lộ trình phát triển cụ thể, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm quản lý, đầu tư và phát triển quỹ BHXH của các nước khác trên thế giới, vận dụng để có hướng phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta...
“Chính sách BHXH là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta, chúng ta phải tập trung truyền thông, làm rõ để người dân, người lao động và toàn xã hội nhận thức đúng rằng: Quỹ BHXH là quỹ tập trung lớn nhất của Nhà nước (chỉ đứng sau ngân sách Nhà nước); quỹ này là quỹ độc lập nhưng được Nhà nước bảo trợ, không thể có câu chuyện vỡ quỹ xảy ra”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh./.
BAT
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?