Thủ tướng muốn nghe tiếng nói từ công nhân
01/11/2017 10:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước câu hỏi của Thủ tướng về “chỗ ở có an ninh không, tiền lương có bảo đảm không, cái gì lo lắng nhất, có ước mơ gì hơn không…”, các công nhân đã giãi bày, kiến nghị hàng loạt vấn đề sát sườn với cuộc sống, trong đó “mong ước lớn nhất của công nhân là có căn nhà”.
Vừa qua, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tìm hiểu, kiểm tra thực tế việc triển khai xây dựng các thiết chế tại khu công nghiệp Biên Hòa 2 và kết quả sau một năm rưỡi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với công nhân lao động.
Cách đây 18 tháng, ngày 30/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp gỡ với 3.000 công nhân lao động ở Đồng Nai. Đó có thể coi là cuộc tiếp xúc lớn đầu tiên của Thủ tướng với công nhân lao động, chỉ 3 tuần sau khi ông tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
“Tôi muốn nghe tiếng nói thực sự từ công nhân”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông muốn lắng nghe tiếng nói thực sự từ công nhân. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Lần này, tại Công ty cổ phần Taekwang Vina (Hàn Quốc), khu công nghiệp Biên Hòa 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành khoảng 2 giờ đồng hồ để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm... với hơn 300 công nhân.
Nhắc lại việc đối thoại với công nhân cách đây 18 tháng, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương nâng cao đời sống, xây dựng thiết chế văn hóa cho người lao động, cho công nhân muốn thành công thì phải đôn đốc, kiểm tra quyết liệt. Chính phủ quyết tâm phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động làm một số việc tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa cho công nhân.
Các công nhân kiến nghị với Thủ tướng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến thẳng thắn của công nhân như “chỗ ở có an ninh không, tiền lương có bảo đảm không, cái gì lo lắng nhất, các cháu có ước mơ gì hơn không…”; chính quyền, công đoàn đã quan tâm thực sự chưa hay chỉ là hình thức. So với cách đây 1 năm rưỡi thì đời sống của công nhân khá hơn hay kém hơn? Thủ tướng cũng lưu ý việc nâng bữa ăn từ 16.000 đồng lên 23.000 đồng liệu có bảo đảm chất lượng tăng lên tương ứng không...
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mặc dù đã được lãnh đạo Công ty, địa phương báo cáo, Thủ tướng vẫn nhấn mạnh “tôi muốn nghe tiếng nói thực sự từ công nhân”.
Tâm sự chuyện của mình, công nhân Nguyễn Gia Thái (quê Hà Tĩnh) nói: "Thưa Thủ tướng, mong ước lớn nhất của công nhân là có căn nhà vì ở trọ cũng từng mất an ninh trật tự, chưa bảo đảm. Mong Thủ tướng có chính sách bảo đảm an ninh trật tự, có chính sách nhà ở, có kênh thông tin để cho chúng con tìm một chỗ ở để an tâm với cuộc sống".
Công nhân này nói thêm rằng vì còn thiếu chính sách thích hợp, sát sườn nên đã có tình trạng công nhân làm việc tăng ca miệt mài, về "tắm rồi lăn ra ngủ". Thậm chí, với ước mơ có căn nhà để ổn định thì có công nhân gom tiền đi mua nhà phân lô, bán nền giá rẻ nên đầy rủi ro...
Cùng ý kiến, chị Võ Thị Mỹ Tiên bày tỏ sau giờ làm việc, công nhân cần nơi nghỉ ngơi, hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu học hỏi, “chứ hiện nay, giải trí thường là xem ti vi và lướt web”.
Chị Thủy, quê Quảng Ngãi, vào làm ở Đồng Nai được 8 năm, bày tỏ lo nhất là vấn đề tiền lương. Công ty trả lương theo mức lương tối thiểu vùng miền. Tuy nhiên do từ tỉnh lẻ đến đây làm việc nên chi phí sinh hoạt cao hơn. Chị mong Thủ tướng quan tâm chính sách nâng lương cũng như bình ổn giá cả để tránh câu chuyện “lương chưa tăng mà giá đã tăng”.
Anh Nguyễn Ngọc Tuân Minh, bị khuyết tật bày tỏ cảm ơn Công ty đã tạo điều kiện làm việc và bày tỏ nguyện vọng Chính phủ có chính sách để nhiều người khuyết tật được nhận vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp.
Các công nhân cũng bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện đi học, nâng cao kiến thức, tay nghề để có mức thu nhập cao hơn; có chính sách để công nhân về hưu có mức lương hưu đủ sống…
Sẽ có chính sách hỗ trợ về nhà ở công nhân
Sau khi nghe nhiều ý kiến trăn trở của công nhân, Thủ tướng cho biết sau 18 tháng trở lại, nhìn thấy những chuyển biến của công nhân, ông rất xúc động. Đã có nhà mẫu giáo cho con em công nhân; công nhân làm việc lâu năm có thu nhập khá; chất lượng bữa ăn có tăng lên như chính công nhân nói... Khu nhà trọ bảo đảm an ninh trật tự tốt. Nhiều công nhân làm việc lâu năm tại Công ty có mức lương khá cao, từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho các công nhân. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Theo Thủ tướng, từ mô hình của Công ty Teakwang Vina, cũng cần lưu ý nhân rộng những cách làm hay, tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa giải trí cho công nhân.
Thủ tướng cũng ấn tượng về tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ở Đồng Nai rất cao, gần 98%. Phần lớn công nhân được làm việc lâu dài, “chứ không phải chỉ có công nhân trẻ còn lớn tuổi thì bị sa thải”. Đặc biệt là chính sách với người lao động khuyết tật được bảo đảm tốt.
Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ đây mới chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.
Nhấn mạnh quyết tâm, sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành, địa phương, công đoàn có biện pháp nâng cao trình độ cho công nhân, tạo điều kiện tốt hơn cho công nhân làm việc. Nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa giải trí cho công nhân. “Đây là nhu cầu bức xúc. Con người không chỉ cần có vật chất mà cần cả tinh thần. Tôi thấy cái này nhiều công nhân kiến nghị”, Thủ tướng nói.
Một vấn đề nữa mà Thủ tướng lưu ý là nhà ở cho công nhân. Đánh giá cao việc Đồng Nai cũng như một số tỉnh phía nam có quan tâm, nhưng Thủ tướng cho rằng nhu cầu quá lớn mà nguồn lực hạn hẹp. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quy hoạch đất đai, bố trí diện tích xây chung cư, căn hộ cho công nhân. Chính phủ sẽ một số chính sách hỗ trợ như về thuế, đất đai để làm việc này.
Thủ tướng cũng đề nghị địa phương giải quyết tốt vấn đề nhà trọ cho công nhân với tinh thần bảo đảm giá cả hợp lý, an ninh trật tự, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trộm cắp.
Về vấn đề tiền lương, Chính phủ làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động để có lộ trình nâng lương cho người lao động, cho công nhân. Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp, địa phương quan tâm vấn đề này để bảo đảm cuộc sống cho công nhân. Chính phủ cũng sẽ có chính sách như chính sách thuế để khuyến khích hơn nữa các đơn vị nhận người khuyết tật vào làm việc.
“Cùng với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân thì cần có những hình thức thi đua tốt hơn, nắm tâm tư nguyện vọng của người lao động”, Thủ tướng nói. “Tôi mong rằng kinh nghiệm này ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn các cấp, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm này sẽ là bài học chung của cả nước trong việc xử lý vấn đề khi tập trung đông công nhân”.
Thủ tướng mong các cấp, các ngành có chương trình hành động cụ thể quan tâm thiết thực đến công nhân, “văn hóa phải làm gì, giáo dục phải làm gì, những trung tâm dạy nghề ở những trung tâm công nghiệp phải làm gì…”.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị công đoàn thành lập quỹ học bổng cho công nhân, đồng thời tặng 5 suất học bổng cho công nhân đang vừa đi làm vừa học tại một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn; tặng máy tính xách tay cho một số công nhân có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau đó, Thủ tướng cùng dùng suất ăn ca chiều với công nhân tại nhà ăn tập thể./.
Theo Baochinhphu.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?