Thận trọng trong điều hành giá những tháng cuối năm
01/11/2017 09:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nội dung chính của phiên họp tháng 10 của Tổ Điều hành Thị trường trong nước diễn ra chiều 30/10 là tìm giải pháp điều hành giá ổn định những tháng cuối năm - thời điểm nhu cầu hàng hóa và giá cả dễ lên cao.
Cần điều hành giá linh hoạt để giữ ổn định trong những tháng cuối năm
Người dân tăng chi tiêu dùng
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong tháng 10, thị trường hàng hóa thiết yếu chịu tác động của một số yếu tố như tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông, thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thời tiết bất lợi tại một số nước xuất khẩu nông sản lớn… Do đó, nhóm hàng năng lượng (dầu thô) liên tục tăng giá trong vài tuần trở lại đây. Giá nông sản cũng diễn biến trái chiều, nhưng chủ yếu theo xu hướng tăng, cũng tác động phần nào đến giá cả hàng hóa trong nước.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 10, mưa lũ tại một số tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nguồn cung giảm, việc vận chuyển gặp khó khăn nên giá rau quả, lúa gạo tăng. Giá các mặt hàng xăng dầu, thép xây dựng, đường, thịt lợn giảm do nguồn cung cao và ảnh hưởng từ giá nhập khẩu.
Với diễn biến như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đã đạt 340.890 tỷ đồng, tăng 1,42% so với tháng 9. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm lưu trú, ăn uống do nhu cầu tăng trong dịp lễ Trung Thu, 20-10. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt 3.257.981 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các nhóm lương thực thực phẩm, lưu trú ăn uống, du lịch đều đạt mức tăng khá, cho thấy nhu cầu của người dân đang dần tốt hơn, niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn nên sẵn sàng chi tiêu cho các nhu cầu dịch vụ.
Sau khi tăng mạnh vào những tháng giữa năm, nhờ nhiều biện pháp kiềm chế, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có dấu hiệu giảm dần trong những tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng đang nằm trong mức Quốc hội cho phép. Cụ thể, CPI tháng 10 tăng 0,41% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng, CPI cả nước tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2016, vẫn dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao (dưới 4%).
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho biết, nguyên nhân khiến CPI tăng giá trong tháng 10 là giá xăng dầu có 2 lần giảm, nhưng mức giảm không bù đắp được mức tăng của tháng trước nên giá nhóm nguyên nhiên liệu tăng, đóng góp 0,16% vào CPI. Cả nước có 7 tỉnh, thành tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế cho nhóm không có bảo hiểm y tế trong tháng 9 cũng tác động đến CPI. Chưa kể một số tỉnh tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình. Tuy nhiên, trái với mức tăng mạnh của các loại giá trên, giá lương thực thực phẩm giảm do người tiêu dùng phía Nam e ngại với thịt lợn có chứa thuốc an thần; mùa mưa bão nên giá điện có xu hướng giảm… là những yếu tố giúp kiềm chế CPI, khiến chỉ số này sau 10 tháng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - chia sẻ thêm, sau 3 tháng tăng liên tục, tháng 10, giá thép đã giảm 3 lần liên tiếp, chỉ còn 600.000 - 700.000 đồng/tấn do 15 ngày đầu tháng 10 mưa bão liên tục nên lượng hàng bán ra chậm. Trong tháng 7, 8, 9, nhiều doanh nghiệp cũng tăng đầu cơ để chuẩn bị hàng hóa cho quý IV nên giá thép tháng 10 đã chững lại. Việc giá một trong những mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa giảm giá đã giúp CPI được kiềm chế tốt để không tăng quá cao.
Điều hành giá linh hoạt trong những tháng cuối năm
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017 và những tháng cuối năm luôn được đánh giá là thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng, giá cả dễ bị đẩy lên cao. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là lên các phương án chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho cuối năm, đồng thời triển khai các giải pháp bình ổn thị trường để giữ ổn định giá cả.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Hiệp hội Thống kê - cho hay, theo quy luật tiêu dùng hàng năm, quý IV sẽ là thời điểm CPI tăng do nhiều nguyên nhân. "Hiện nay, ta đã đi được gần hết chặng đường của năm 2017 với CPI ở mức dưới con số Quốc hội cho phép. Do đó, quan trọng là điều chỉnh giá mặt hàng sao cho hài hòa, tận dụng được dư địa trong CPI, nhưng không tăng giá cao quá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân" - ông Thắng nhấn mạnh.
Hiện nay, giá điện đang được kiến nghị tăng giá vào tháng 11 tới. Theo ông Nguyễn Duy Thiện - Cục Giá (Bộ Tài chính) - trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - cho biết, giá điện sẽ được điều chỉnh sao cho tăng ở mức thấp nhất, để ảnh hưởng thấp nhất đến CPI những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm. Theo tính toán của, CPI tăng vào tháng 11 tới sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 thấp hơn nếu tăng vào các tháng 1, 2, 3, 4/2018. Do đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước cần sớm có kiến nghị gửi Ban chỉ đạo điều hành giá để mức tăng của mặt hàng thiết yếu này đến nền kinh tế và đời sống người dân là thấp nhất.
Ngoài mặt hàng thiết yếu kể trên, để triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng kiến nghị một số giải pháp. Thứ nhất, với mặt hàng xi măng, đề nghị Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu đối với ngành sản xuất xi măng như điện, than. Chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bán đủ than, đảm bảo chất lượng và tiến độ cho các nhà máy xi măng để duy trì sản xuất ổn định, nhằm đảm bảo ngành sản xuất xi măng thực hiện tốt việc bình ổn cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá xi măng thời gian tới. Thứ hai, đối với mặt hàng thịt lợn, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm việc sử dụng các chất cấm trong giết mổ, bảo qản; khuyến khích, hỗ trợ hoạt động truy suất nguồn gốc nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường và điều hành giá sản phẩm do Nhà nước quản lý; phối hợp tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?