Giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT
19/10/2017 04:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là tiêu đề Hội nghị tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT khu vực phía Bắc do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đại diện Sở Y tế, BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực phía Bắc.
Vừa bảo tồn quỹ, vừa nâng cao chất lượng KCB
Tại Hội nghị, đại diện hai cơ quan y tế và BHXH cùng thảo luận, giải đáp những bức xúc, vướng mắc trong thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; đồng thời tiếp cận kết quả khảo sát, đánh giá nhanh thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT ở một số tỉnh do Tổng hội Y học Việt Nam và Viện Chiến lược & Chính sách Y tế phối hợp thực hiện. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở y tế, đại diện cơ sở y tế phát biểu ý kiến nêu tình hình thực tế địa phương, cho thấy rõ hơn tình hình KCB BHYT hiện nay.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc – (BHXH Việt Nam) nêu rõ: Những con số 9 tháng đầu năm cho thấy, có sự gia tăng lượt khám bệnh bất thường, nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng cách chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện; Giá dịch vụ y tế, mua sắm vật tư y tế chưa hợp lý; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết; thanh toán sai quy định;…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra trong công tác khám chữa bệnh BHYT hiện nay như: giao quỹ BHYT cho địa phương; số lượt khám, chữa bệnh quá mức; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng; bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và xét nghiệm cao hơn bình thường... Trong đó có tình trạng: trước khi tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện chỉ có 1.000 giường, sau khi tăng giá viện phí, số giường tại bệnh viện tăng lên đến 1.500 đến 1.600 giường, trước khi tăng giá viện phí, bệnh nhân chỉ nằm viện có 5 ngày còn sau khi tăng giá viện phí, bệnh nhân mắc bệnh đó lại nằm viện đến 7 ngày…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, việc tăng chi tiền khám chữa bệnh BHYT vừa qua không hẳn chỉ đáng lo mà cũng đáng mừng bởi người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được chi trả nhiều hơn, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân, thời gian vừa qua đã kết dư 49.000 tỷ. Với tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay thì số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2-3 năm tới, do đó nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng người bệnh.
Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Tại hội nghị, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã rất thắng thắn cho hay: Quỹ BHXH do nhà nước bảo hộ, quỹ BHYT nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ lo. Do đó, nếu nói là sắp vỡ quỹ BHYT và BHXH sẽ gây hoang mang cho người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc tăng chi từ Quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30-33%, bên cạnh đó mức đóng BHYT hiện nay của chúng ta là thấp trong khi mức hưởng cao và không có mức trần nên “không tăng mới là lạ”. Ngoài ra, hiện nay trong tổng số tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta có đến hơn 30% do ngân sách nhà nước chi trả và khá nhiều người dân còn chưa có ý thức tham gia BHYT... Một yếu tố nữa, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra là việc thiếu tính hướng dẫn đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật như: Phân hạng BV, định mức bác sĩ khám bệnh... Bên cạnh đó, do thực hiện cơ chế tự chủ nên nhiều địa phương đã cắt ngân sách khiến các BV không có nguồn thu dẫn đến tình trạng bệnh viện phải lách để có kinh phí hoạt động, chi trả thêm cho cán bộ y bác sĩ...
Quang cảnh hội nghị.
Tuy nhiên, ông Lợi cho hay, tại cuộc họp chuyên đề mới đây, các đại biểu Quốc hội đánh giá công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt việc thực hiện chính sách BHYT rất tốt. Qua những hội nghị như thế này hai ngành cần thẳng thắn nhận ra những tồn tại của mình để cùng bàn thảo, tìm cách tháo gỡ. Thực tế qua giám sát của Quốc hội cho thấy, nơi nào có sự gắn kết, đồng thuận chặt chẽ thì ở nơi đó mọi khúc mắc đều sớm được giải quyết.
Ông Lợi cũng đề nghị ngành tế cần xem lại những tồn tại về văn bản chính sách để sớm điều chỉnh cho phù hợp và luôn luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ người bệnh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo. Ngành y tế là ngành có trách nhiệm rất lớn trong sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp; BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực cũng có hạn, trong khi phải đảm đương nhiệm vụ an toàn quỹ.
Về ngành BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của ngành y tế, cái gì là lỗi thì sửa ngay, cái gì không thuyết phục, không chuẩn thì sớm nắn chỉnh lại và cũng bàn thảo, tìm giải pháp để có sự đồng thuận trong tháo gỡ khó khăn với phương châm tất cả vì quyền lợi của người bệnh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhận diện thực trạng hiện nay, có một số chính sách, Luật còn vướng, gây khó khăn cho cả ngành Y tế, BHXH và đề nghị ngành y tế sớm ban hành, chỉnh sửa cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết để giải quyết các bất cập liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế hiện đang sửa đổi, điều chỉnh lại các Thông tư và văn bản khác liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, về đào tạo liên tục cũng như chứng chỉ hành nghề. Đồng thời trong tuần tới, ngành y tế sẽ ra văn bản hướng dẫn về ngày kê giường, bàn khám; ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến xã trong đó có khám chữa bệnh BHYT... để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Đồng thời ngành y tế cũng sớm có những hướng dẫn về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, sớm ban hành thông tư về quy trình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngành y tế sẽ tiến đến mô hình phân tầng là chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến giữa và tuyến cao nhất.../.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?