Tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân

07/07/2017 09:30 AM


Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Theo Bộ Y tế, đến nay, toàn quốc đã có 206 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực, hiện nay, một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật khám, chữa bệnh như: Mời bác sỹ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý.

Thứ hai, tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên cho phép.

Thứ ba, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám, chữa bệnh.

Thứ tư, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) và tại cơ sở khám, chữa bệnh các thông tin sau: Giấy phép hoạt động bao gồm phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động; danh sách, văn bằng chuyên môn và phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn và người hành nghề khám, chữa bệnh; tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh.

Thường xuyên kiểm tra biển hiệu quảng cáo, người hành nghề hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, việc thực hiện các quy chế chuyên môn. Khi kiểm tra, thanh tra phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, không bao che sai phạm, thực hiện xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, kết hợp với các hình thức phạt bổ sung theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ như: Tước chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo quy định của pháp luật.

Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.

Thứ sáu, phối hợp với UBND cấp phường, xã và cấp quận, huyện trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý, khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở khám, chữa bệnh để thông báo cho Sở Y tế và chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Thứ bảy, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về dịch vụ khám, chữa bệnh tại địa phương. Khi thực hiện xác nhận nội dung quảng cáo phải thẩm định các nội dung quảng cáo, đối chiếu với phạm vi hoạt động chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cho phép, bảo đảm cơ sở khám, chữa bệnh không quảng cáo quá mức quy định, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp quảng cáo khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.

Thứ tám, tăng cường công tác truyền thông để người dân nêu cao cảnh giác khi nghe các quảng cáo quá mức về khả năng khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

PV

EMC Đã kết nối EMC