Cải cách thủ tục hành chính ngành BHXH: Phản hồi tích cực từ doanh nghiệp FDI
16/06/2017 05:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo kết quả khảo sát, phần lớn các DN FDI cho biết họ thấy "thuận lợi hơn" trước những cải cách của BHXH.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội nghị
Ngày 16/6, tại TP. Hồ Chí Minh, BHXH Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam khu vực phía Nam.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính... cùng đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, VCCI và đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Hội nghị đối thoại tập trung vào các nội dung chính: Trao đổi về kết quả cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp; Trao đổi các thông tin mới trong chính sách pháp luật, thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp; Triển khai thực hiện Nghị định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của NLĐ khu vực FDI trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.
Tạo thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1,6 lần GDP. Đến nay, cộng đồng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với trên 16 nghìn doanh nghiệp và trên 3,8 triệu người lao động khu vực FDI, đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế và có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc Hội nghị
Việc đảm bảo chế độ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp cho người lao động nói chung và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng ngày càng quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường lao động và nhu cầu về an sinh xã hội thường xuyên biến động; chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp của Việt Nam có nhiều bổ sung, sửa đổi thể hiện trong các nội dung mới của Luật Việc làm 2013, Luật BHXH 2014 và Luật BHYT sửa đổi 2014.
Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam đã chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả bước đầu như: rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng CNTT, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan thực hiện chính sách.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI.
Góp phần mở rộng bao phủ BHXH
Tính đến 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 208.397 đơn vị, trong đó số doanh nghiệp FDI là 16.085 doanh nghiệp, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối doanh nghiệp tính đến 31/12/2016 là 151.581 tỷ đồng. Trong đó số thu của doanh nghiệp FDI là 71.670 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng số thu của khối doanh nghiệp. Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối doanh nghiệp là 8.747.106 người, trong đó số lao động thuộc doanh nghiệp FDI là 3.754.814 người.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp FDI luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các quy trình thủ tục của BHXH Việt Nam, có đội ngũ làm công tác BHXH chuyên nghiệp nên các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện chính xác và hiệu quả, đặc biệt là nghiệp vụ về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH...
Những đóng góp, phản hồi về khó khăn, vướng mắc và góp ý, kiến nghị của các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua với cơ quan BHXH về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp rất thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng cao, thể hiện quyết tâm và cam kết của doanh nghiệp cùng phối hợp với cơ quan BHXH trong cải cách TTHC để đem lại thuận lợi hơn cho cả người lao động, doanh nghiệp và cơ quan BHXH nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả hơn. Góp phần to lớn vào giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội. Mặc dù, doanh nghiệp FDIchỉ chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng đã đóng góp đáng kể vào kết quả thu và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, với số tiền thu chiếm đến 47,2%, với số lao động tham gia BHXH chiếm đến 42,9% so với tổng số tiền thu, tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệpcủa khối doanh nghiệp trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp FDI chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, đóng BHXH đầy đủ, kịp thời, vẫn một số doanh nghiệp nợ BHXH. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số nợ BHXH của khối doanh nghiệp FDI vẫn còn cao là 1.241 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng số phải thu của các doanh nghiệp cùng khối FDI). Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó chủ yếu do một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động; song vẫn còn đâu đó một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng vốn từ khoản thu BHXH của người lao động đầu tư vào mục đích khác, thiếu hợp tác tích cực với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động, đặc biệt còn có chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam… Những hạn chế này, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện chính sách BHXH, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Theo Báo cáo khảo sát ý kiến doanh nghiệp FDI về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã cắt giảm được 01 thủ tuc hành chính, từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện.
Giao dịch điện tử được đẩy mạnh với 90% số doanh nghiệp thực hiện. Văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ, viên chức ngành BHXH đã chuyển biến tích cực.
Ý kiến của doanh nghiệp về tác động của cải cách thủ tục hành chính của Ngành BHXH: 64% ý kiến đánh giá thuận lợi hơn về BHXH, 55,8% đánh giá thuận lợi hơn về BHYT, 51,3% ý kiến đánh giá thuận lợi về chính sách BH thất nghiệp.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Hội nghị
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Để tăng cường thu hút vốn FDI bền vững, Việt Nam đã có những biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp,chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủngày 16/5/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, Ban ngành, trong đó có nhiệm vụ “Rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp”.
Phó Chủ tịch VCCI cũng đánh giá, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện tương đối tốt chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp chậm đóng, thậm chí là chậm đóng kéo dài BHXH gây khó khăn và ảnh hưởng đến người lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, BHXH, BHYT là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội. Trong những năm vừa qua, chính sách BHXH, BHYT đã có những sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã giảm tỷ lệ mức đóng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thông tin về việc tham gia BHXH đối với người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo quy định của Luật BHXH, từ 1.1.2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc. Vấn đề đặt ra là tham gia như thế nào, có tham gia cả 5 chế độ của Luật BHXH hay không. Theo ông Lợi, với chính sách BH thất nghiệp, nếu doanh nghiệp, người lao động có thời gian làm việc lâu dài tại Việt Nam thì có thể tham gia để hưởng lợi, còn không thì không bắt buộc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng nghị định hướng dẫn và việc tham gia này phải có lộ trình.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng mong muốn, các doanh nghiệp FDI tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đã cùng thảo luận, trao đổi nhiều nội dung trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cùng đại diện các đơn vị nghiệp vụ đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của các doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội nghị
Trước phản ánh của doanh nghiệp FDI, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai, thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp những thay đổi về thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể, kịp thời và thường xuyên; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đánh giá cao các ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị tất cả các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam tiếp thu toàn bộ ý kiến phản ánh, câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp FDI để trả lời và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Những phần không thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam sẽ được tổng hợp, kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan để trả lời, tháo gỡ cho doanh nghiệp./.
ĐH
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?