Tỉnh Hải Dương: Ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết về BHXH, BHYT

02/08/2022 10:42 AM


Vừa qua, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Hải Dương vừa ban hành Chương trình hành động số 2230/CTHĐ-BCĐ ngày 29/07/2022 về việc thực hiện các Nghị quyết về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chiếm 95% dân số tỉnh.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chính sách BHXH, BHYT tại các Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 24/12/2020 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động nhằm mục đích tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động, và nhân dân, đồng thời tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, BHYT trên phạm vi toàn tỉnh từng bước tiến tới BHXH, BHYT toàn dân. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm và trọng điểm.

Cụ thể, năm 2022, tỉnh Hải Dương phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 48,6% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 42,6%, BHXH tự nguyện là 6%; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT chiếm khoảng 92% dân số của tỉnh.

Năm 2023, phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 50,8% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc là 43,8%, BHXH tự nguyện là 7%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT chiếm khoảng 93% dân số của tỉnh.

Năm 2024, phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 53% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc là 45%, BHXH tự nguyện là 8%; tỷ lệ người tham gia BHYT chiếm khoảng 94% dân số của tỉnh.

Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc là 46%, BHXH tự nguyện là 9%; tỷ lệ người tham gia BHYT chiếm khoảng 95% dân số của tỉnh.

Lễ ra quân hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH, BHYT tại BHXH tỉnh Hải Dương.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban chỉ đạo đã đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Chương trình hành động như: tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận cao ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT bằng cách tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, kết nối chia sẻ thông tin, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý các vi phạm về trốn đóng, nợ đóng, trục lợi quỹ…;

Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, tiến tới đạt 100% giao dịch điện tử, hiện đại hóa quản lý, đầu tư phát triển công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Đáng chú ý, nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra hàng đầu là mở rộng diện bao phủ người tham gia BHXH, BHYT: các cấp, các ngành tham mưu đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thu hút được nhiều lao động làm việc qua đó đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Tổ chức rà soát, mở rộng phát triển người tham gia BHXH, BHYT đối với khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, khu vực lao động phi chính thức và nông dân với những giải pháp phù hợp, linh hoạt.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các đơn vị Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin Truyền thông, Cục thuế tỉnh, Bưu điện tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh… và các Hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, định kỳ có đánh giá, sơ kết rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp thực hiện theo nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Chương trình hành động.

Phương Dung