26.800 doanh nghiệp thành lập mới: Mức cao nhất trong 7 năm
28/03/2018 10:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô nhằm đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng tham dự còn có lãnh đạo của 4 bộ, ngành trong Tổ điều hành kinh tế vĩ mô là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế trong nước quý I vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017 trở lại đây khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số tài chính tiền tệ đều tích cực, thị trường tiền tệ-ngoại hối, mặt bằng lãi suất ổn định, thanh khoản tốt, thu chi ngân sách cơ bản đạt tiến độ, thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, thu hút vốn đầu tư đạt khá, nhất là giải ngân vốn FDI, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có diễn biến khả quan.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, dự kiến tăng trưởng GDP quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua ở mức trên 7%. Trong đó, công nghiệp- xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, mà đóng góp mạnh mẽ là công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết và quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản có nhiều khởi sắc cả về khai thác và môi trường. Lĩnh vực dịch vụ diễn biến sôi động, sức mua tăng mạnh nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chi tiêu cá nhân ngày càng tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát tốt ở mức tăng 2,82%.
Nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu hàng hóa được ký trong đầu năm 2018 giúp kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đã có 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%. Trong quý I/2018, cả nước xuất siêu 1,1 tỷ USD. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tổng thu cân đối ngân sách thì ước 17,5% dự toán. Chi cân đối ngân sách 14,8% dự toán.
Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. “Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường với tốc độ cao đã đóng góp tích cực tăng trưởng chung của cả nước”, ông Mạnh nói.
Tới hết năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 126.000 doanh nghiệp của năm 2017.
Tính tới nay, lũy kế thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 176,25 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn còn hiệu lực. Trong quý I, vốn FDI tăng thêm, góp mới, đăng ký cấp mới là 5,8 tỷ USD (bằng 75,2% cùng kỳ). Nhưng thực hiện vốn đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo bối cảnh thế giới sẽ có nhiều khởi sắc hơn năm 2017, thương mại toàn cầu duy trì tích cực với mức tăng trên 4%, công nghiệp chế tạo máy móc sẽ tăng mạnh vì tới chu kỳ tái đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ở trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp đã tận dụng nhiều các yếu tố động lực tăng trưởng như tổng cung, cầu, kiều hối, FDI,... nên khó tạo ra sức bật như năm 2017.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc ngay từ đầu năm, đốc thúc sản xuất theo tín hiệu thị trường, thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm được dự báo có nhiều khả quan, nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và đề nghị các bộ, ngành và địa phương rà soát, thúc đẩy các nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng, thu ngân sách của những tháng tiếp theo như việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động thương mại trong tháng 5 tới,...
Các bộ, ngành phải theo dõi sát diễn biến kinh tế ở trong nước, khu vực và trên thế giới, thực hiện các báo cáo chuyên đề về tình hình kinh tế vĩ mô ở các lĩnh vực ngân hàng-tài chính, chứng khoán, bất động sản,... trong dài hạn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
TC
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?