Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Thách thức đối với ngành y tế
21/03/2018 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong những thách thức đối với ngành y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Theo các chuyên gia, để công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đạt hiệu quả cần có chính sách đầu tư, ưu đãi cụ thể, từ đó góp phần tạo ra môi trường an toàn trong các cơ sở y tế.
Gánh nặng
Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.
Thống kê của Mỹ cho thấy, chi phí của một ca nhiễm khuẩn bệnh viện thường gấp 2 - 4 lần so với những trường hợp không mắc. Tại Mỹ, hàng năm ước tính có 2 triệu người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện, làm 90.000 người tử vong, làm tốn thêm 4,5 tỷ USD viện phí.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Y tế (năm 2005) trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%. Cũng thời gian này, một nghiên cứu khác của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%. Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và VINAREX (năm 2013), khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức đối với ngành y tế, đơn cử như dịch sởi năm 2015 khiến trên 100 trẻ tử vong do lây nhiễm chéo trong Bệnh viện Nhi Trung ương và mới đây nhất là 4 trẻ tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh với kết luận ban đầu do nhiễm khuẩn bệnh viện… Nhiễm khuẩn bệnh viện là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Cần có chính sách phù hợp
Trên thực tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tuyến Trung ương cao hơn tuyến địa phương. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh này lại thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm cao do tác nhân lây bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh… Đặc biệt, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng như Ebola, MERS-CoV, sởi, dịch hạch... làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Không chỉ vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện còn là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc...
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê khó khăn nhất trong công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện là do một số người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc quá tải bệnh viện, việc kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt cũng dẫn đến tình trạng nhiễm chéo này. Bên cạnh đó, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được tính đúng, tính đủ. Chưa kể, nhiều nhiệm vụ chuyên môn trọng yếu về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát nhiễm khuẩn, dịch bệnh, vi sinh vật kháng thuốc… đã ảnh hưởng nhất định đến công tác này.
Nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, để công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả hơn, ngoài việc chống nhiễm khuẩn cho người bệnh, các bệnh viện cần phải có những giải pháp để chống nhiễm khuẩn bệnh viện cho chính nhân viên y tế. Bởi nếu nhân viên y tế bị phơi nhiễm, người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh như Thông tư số 18 hướng dẫn hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở; kế hoạch quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016 - 2020; Ban hành 12 Hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh; xây dựng mô hình kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn tại 6 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo Báo ĐBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?