Triển khai đầy đủ, đồng bộ quy định pháp luật về khám chữa bệnh, BHYT
15/06/2017 02:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những nội dung phát biểu kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên giải trình ngày 14/6.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế (Nguồn Internet)
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; Quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Phát biểu kết luận phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế có 49 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi và 13 ĐBQH tranh luận. Với các ĐBQH chất vấn chưa đủ thời gian trả lời tại Hội trường, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có văn bản trả lời gửi đến các ĐBQH và Tổng thư ký Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và xây dựng. Các ĐBQH đã chất vấn, tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của Bộ trưởng nên có điều kiện, kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý. Bộ trưởng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đặt ra từ nhiệm kỳ trước. Phần trả lời còn một số nội dung quá chi tiết, chưa đủ tầm, nhưng về cơ bản các ĐBQH đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Y tế là ngành đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên được xã hội quan tâm. Thời gian qua, lĩnh vực y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách, đề án đã được ban hành nhằm đổi mới hoạt động, giảm quá tải, nâng cao chất lượng. Kết quả thực hiện các chương trình được quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng qua các năm. Tỷ lệ chuyển tuyến từng bước giảm. Nhiều phương pháp tiên tiến của y học đã được áp dụng, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân.
Tuy vậy, qua chất vấn và tranh luận của các ĐBQH thì thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra. Đó là hệ thống y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tình hình mới. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất cập. Đội ngũ nhân viên y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở y tế chưa thực sự làm người dân hài lòng. Cơ chế tài chính chưa đủ sức thu hút và khuyến khích phát triển y tế cơ sở, vẫn còn tình trạng vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên, lãng phí ở tuyến dưới. Quản lý giá thuốc, bán thuốc chữa bệnh cơ bản không có đơn, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh còn phổ biến. Công tác quản lý thuốc nam, thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ. Còn tình trạng trục lợi Quỹ BHYT, để xảy ra sự cố y tế ở các tuyến, gây lo lắng cho nhân dân. Tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, không thừa nhận kết quả xét nghiệm chung của các cơ sở y tế đã gây lãng phí, khó khăn cho người bệnh.
Qua chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐBQH; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó tập trung triển khai đầy đủ, đồng bộ quy định pháp luật về khám chữa bệnh, BHYT, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đã triển khai trong thời gian qua. Đồng thời, có các giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ, dài hơi, quyết liệt trong chỉ đạo để thực hiện khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính tại các bệnh viện, triển khai hiệu quả đề án giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực mới được đầu tư.
Thực hiện tốt việc phối hợp, lồng ghép giữa các đơn vị y tế, các tuyến y tế, giữa lĩnh vực điều trị và dự phòng, tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, phát triển nuôi trồng dược liệu, công nghiệp dược phẩm để có sản phẩm thuốc tốt cho người Việt Nam sử dụng. Tăng cường điều động, luân chuyển, đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở. Công tác đào tạo, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân ở địa phương. Giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương để có kết quả chuyển biến qua từng năm, phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Toàn cảnh quốc hội (Nguồn Internet)
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là bằng nguồn BHYT. Triển khai hiệu quả Đề án tăng cường năng lực, hệ thống chất lượng xét nghiệm y học, sớm liên thông kết quả xét nghiệm đối với các cơ sở y tế. Tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục hành chính khám bệnh, chữa bệnh và cơ chế kiểm soát để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Thực hiện tốt Quy chế ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực y tế; sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát lãng phí nguồn lực đầu tư cho y tế; khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế theo quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng để trục lợi, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến huyện, xã theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả thông qua các mô hình tiên tiến.
Tăng cường hỗ trợ y tế khám chữa bệnh ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy định về thông tuyến, nhưng chú trọng chất lượng ở cấp cơ sở.
Sớm sửa đổi quy định về đấu thầu, mua thuốc biệt dược, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, cải cách hành chính về đấu thầu, thuốc chữa bệnh để tiết kiệm chi phí. Triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc, nhất là việc bán thuốc theo đơn, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế; phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Rà soát đánh giá việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, công tác khám chữa bệnh bằng BHYT để khắc phục cho được những tiêu cực, hạn chế trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên chất vấn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam sẽ có báo cáo trả lời thêm vấn đề liên quan đến trách nhiệm của mình và phối hợp với Bộ Y tế có báo cáo giải trình những vấn đề mà ĐBQH quan tâm.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?