Bộ Y tế: Quy định mức tối đa giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT

21/04/2017 12:00 AM


Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

CNTT KCB 231115.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Theo đó, mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm theo quy định.

Đối tượng áp dụng là các cơ sở KCB của Nhà nước; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Người bệnh có thẻ BHYT đi KCB theo quy định của pháp luật về BHYT thì thực hiện theo mức giá dịch vụ KCB BHYT quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Thông tư không áp dụng đối với các dịch vụ KCB trong các trường hợp: Đơn vị góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB của các cơ sở KCB công lập và thực hiện giá dịch vụ theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy; Cơ sở KCB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công vay vốn để đầu tư, hợp tác đầu tư theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; Cơ sở KCB đầu tư theo hình thức đối tác công tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Mức tối đa khung giá dịch vụ KCB

Mức tối đa khung giá dịch vụ KCB bao gồm: Mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe;  Mức tối đa khung giá dịch vụ ngày giường điều trị;  Mức tối đa khung giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Mức tối đa khung giá quy định gồm các chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương.

Chi phí trực tiếp bao gồm: Chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB. Riêng đối với một số loại thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ KCB quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và máu, chế phẩm máu: thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua theo quy định của pháp luật; Chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ.

Chi phí tiền lương, gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trừ các khoản chi theo chế độ; Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật (sau đây gọi tắt là phụ cấp đặc thù) theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Chi phí tiền lương trong mức tối đa khung giá dịch vụ KCB quy định tại Khoản 1 Điều này không bao gồm các khoản chi theo chế độ do ngân sách nhà nước bảo đảm quy định tại các văn bản: Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội (sau đây gọi tắt là Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg) và Quyết định số 20/2015/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 46/2009/QĐ-TTg; Điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
 
KCB DN 131016 02.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nguyên tắc và thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB

Thông tư quy định rõ, cơ quan có thẩm quyền quy định (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh , Bộ trưởng Bộ Y tế) quyết định mức giá cụ thể của các dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý không được vượt quá mức tối đa khung giá của các dịch vụ KCB quy định tại Thông tư này.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ KCB thực hiện tại các cơ sở KCB thuộc địa phương quản lý và quyết định mức giá cụ thể hoặc thực hiện áp giá dịch vụ KCB đối với một số trường hợp theo nguyên tắc sau: Các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng KCB; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và KCB đã được xếp hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương; Các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được phân hạng: áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV; Phòng khám bác sĩ gia đình, y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học: áp dụng mức giá của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ KCB thực hiện tại các cơ sở KCB trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đối với các cơ sở y tế do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn lại thực hiện việc áp giá dịch vụ KCB như sau: Đối với trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y: Áp dụng giá dịch vụ KCB quy định đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn của địa phương; Đối với bệnh xá quân dân y: Áp dụng giá dịch vụ KCB đối với phòng khám đa khoa khu vực của địa phương; Đối với các bệnh viện hạng II, III, IV (bao gồm cả bệnh viện quân dân y): Áp dụng giá dịch vụ đối với cơ sở KCB cùng hạng của địa phương; Đối với các cơ sở KCB còn lại khác: Áp dụng giá dịch vụ đối với cơ sở KCB hạng IV của địa phương; Trường hợp cơ sở KCB thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có trong quy định giá dịch vụ KCB của địa phương thì cơ sở KCB phải thực hiện xây dựng phương án giá và báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Đối với dịch vụ kỹ thuật mới theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 của Luật KCB và các dịch vụ kỹ thuật còn lại khác (trừ các dịch vụ đã được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện) chưa được quy định mức tối đa khung giá: Cơ sở KCB xây dựng và đề xuất mức giá trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 3 Thông tư này tạm thời quyết định mức giá; Định kỳ 6 tháng (vào ngày 30/6 và ngày 31/12 hằng năm) các đơn vị, địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để xem xét, quy định bổ sung mức tối đa khung giá sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; Trình tự và hồ sơ phương án giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá./.

PV

EMC Đã kết nối EMC