Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025
12/10/2022 08:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.
Quang cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. (Nguồn: UN)
Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam
Các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (1 nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11.10 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: UN
Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố và nâng cao
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới
Chia sẻ ý kiến này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương.
Song sự đồng hành của các bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả ở trong và ngoài nước, đã hết sức nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến hành vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, đóng góp quan trọng vào kết quả này.
Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên Hợp Quốc
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên Hợp Quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR).
Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ khi cơ quan này được thành lập
Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền, trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xoá bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hoá, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
Các nội dung trên tiếp tục nằm trong các ưu tiên, định hướng cho tham gia của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, như thể hiện trong các Cam kết tự nguyện khi ứng cử mà Việt Nam gửi tới Liên Hợp Quốc theo quy định của Đại hội đồng./.
Theo TTXVN
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?