Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
26/05/2022 03:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 26/5, tiếp tục chương trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 08 chương và 116 điều.
Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 03 hình thức thanh tra là (1) thanh tra theo kế hoạch, (2) thanh tra thường xuyên và (3) thanh tra đột xuất.Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.
Dự thảo Luật quy định Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Đồng thời Dự thảo Luật cũng đưa ra những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra ( sửa đổi ). Ảnh: Quochoi
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thực tế cho thấy, nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn nhưng do Luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc Bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, Dự thảo Luật quy định “Thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
“Việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này”, Tổng Thanh tra nói.
Thêm vào đó, việc có thêm Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ cũng không gây nguy cơ chồng chéo giữa thanh tra Bộ và Thanh tra tổng cục, cục vì dự thảo Luật quy định mỗi Bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh trong bộ, trình Bộ trưởng phê duyệt và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, như: nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó.
Dự thảo Luật quy định việc xây dựng, ban hành Định hướng hoạt động thanh tra và kế hoạch thanh tra hằng năm nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.
Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết sửa đổitoàn diệnLuật Thanh tra với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về Thanh tra Bộ và việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ,Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, vì Luật Thanh tra hiện hành đã giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực tế và theo điều ước quốc tế, một số luật chuyên ngành đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, việc quy định thành lập cơ quan thanh tra tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ là phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho tổ chức và hoạt động của tổ chức thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Tuy nhiên, để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ trong Luật các tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Toàn cảnh phiên họp.
Về nhiệm vụ của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ: đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại Bộ. Theo đó, trường hợp Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó để phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh gọn bộ máy và thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.
Trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra; chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về xử lý chồng chéo với hoạt động kiểm toán để thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?