Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
14/04/2022 08:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội".
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Báo cáo tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội" gồm các nội dung chính về sự cần thiết, căn cứ, mục đích, yêu cầu xây dựng Đề án; đánh giá thực trạng hoạt động giám sát theo từng chủ thể giám sát (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội), khái quát kết quả đạt được và tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; quan điểm chỉ đạo trong đổi mới hoạt động giám sát và kiến nghị một số giải pháp đổi mới hoạt động giám sát, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật liên quan; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong thực hiện Đề án.
Trong đó, Đề án nêu một số nội dung trọng tâm đề xuất đổi mới như việc xem xét báo cáo ngân sách nhà nước hàng năm; lồng ghép nội dung phòng, chống tiêu cực; tổ chức hoạt động chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc lựa chọn số lượng chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề năm 2022 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Đây cũng là nội dung đã được nêu tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc xây dựng Đề án này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, gắn với hoàn thiện pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tổ chức triển khai thực hiện bài bản, công phu, tâm huyết với sự chỉ đạo quyết của liệt của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Trên cơ sở ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến và dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về vấn đề này.
Nhấn mạnh việc đổi mới hoạt động giám sát có hai yếu tố gồm: Đổi mới về quy định pháp luật và đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, tuỳ theo mức độ cụ thể để kiến nghị sửa đổi pháp luật liên quan cho phù hợp hoặc có những vấn đề có thể điều chỉnh ngay trong cách thức tổ chức thực hiện hoạt động giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trên cơ sở kế thừa, phát huy những đổi mới của Quốc hội khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến nay, Quốc hội đã có những đổi mới rất hiệu quả trong hoạt động giám sát như: Chỉ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát và chuẩn bị kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều vòng về Đề cương giám sát chi tiết, kế hoạch giám sát cụ thể, lựa chọn các đơn vị, bộ, ngành, địa phương làm việc trực tiếp. Đặc biệt, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có các cơ chế huy động đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia giám sát; giao nhiệm vụ để Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các địa phương tiến hành giám sát, đánh giá từ thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật tại địa phương, báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát… Chính sự kỹ lưỡng, bài bản, quyết liệt ngay từ trong khâu chuẩn bị và tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát tối cao về quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… như vậy đã tạo nên những chuyển biến trong thực tế. Đơn cử như vừa qua, một số địa phương đã quyết liệt thu hồi hàng chục nghìn héc-ta đất dự án treo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những chuyển động như vậy cho thấy tác động lan tỏa của hoạt động giám sát, “không chỉ là chuyển động trong ý thức mà còn cả trong hành động”. Hay trong hoạt động chất vấn, kế thừa đổi mới hỏi nhanh - đáp gọn của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV đã có những điều chỉnh tuy nhỏ như đại biểu Quốc hội chỉ nêu 1-2 câu hỏi trong một lần chất vấn, chỉ tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng, trưởng ngành, tăng cường tranh luận… cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hay nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Bộ trưởng, trưởng ngành, kèm theo thời hạn hoàn thành cụ thể…, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ.
Từ những đổi mới nêu trên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thực tế cho thấy có những bất cập, vướng mắc không phải do luật mà do khâu tổ chức thực hiện, chỉ đạo điều hành. Do đó, Ban Chỉ đạo cần tổng kết kỹ lưỡng thực tiễn; các kiến nghị, đề xuất cần phân định theo nhóm gồm: Nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật, sửa đổi, bổ sung quy định trong luật, nghị quyết và nhóm giải pháp trong tổ chức thực hiện, điều hành, triển khai các hoạt động giám sát. Trước mắt cần tập trung vào các đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến hoạt động giám sát; kiến nghị về tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chú trọng khâu hậu giám sát như: Đoàn giám sát theo thẩm quyền kiểm tra lại việc thực hiện kiến nghị, nghị quyết giám sát; tăng cường trách nhiệm giải trình, công bố công khai kết quả thực hiện kết luận, nghị quyết giám sát... Cùng với đó là các giải pháp về cơ sở dữ liệu, nhân sự, phối hợp thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ thể liên quan.
Theo TTXVN
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?