Đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu
06/09/2018 03:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là nội dung nổi bật tại Chỉ thị 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua hoạt động xuất khẩu đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,5%/năm. Xuất siêu được duy trì trong cả hai năm 2016 và 2017. Đặc biệt, xuất khẩu năm 2017 đạt thành tích cao cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu đã đem lại những kết quả tích cực. Tính cả năm 2017, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước đạt 428,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 215,12 tỷ USD, nhập khẩu là 213,01 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu của nước ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dựa mạnh vào nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử; sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát; chất lượng nông, thủy sản chưa được đồng đều. Thị trường xuất khẩu còn thiếu ổn định, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản. Thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng; cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt.
Trong bối cảnh đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Chỉ thị đặt ra yêu cầu đối với sản xuất, xuất khẩu: Sản xuất gắn với nhu cầu và tín hiệu thị trường; cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Xác định các sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, hướng tới phát triển xuất khẩu bền vững, khắc phục đầu tư tràn lan, theo phong trào, làm giảm hiệu quả của các sản phẩm xuất khẩu.
Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt đối với hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tạo thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu.
Các bộ, ngành khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cụ thể:
Bộ Tài chính: Có giải pháp giảm thời gian xem xét hồ sơ xin hoàn thuế VAT giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với các quy định về hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu dựa trên tỷ trọng tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm; xem xét đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được cơ sở sản xuất đưa đi gia công tại cơ sở khác và đối với phế liệu, phế phẩm tù nguồn nhập khẩu dư thừa sau sản xuất hàng xuất khẩu, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất hàng xuất khẩu và loại hình gia công. Xem xét đề xuất các quy định về ưu đãi thuế thu nhập của doanh nghiệp chế biến lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến lâm sản tương tự như đối với doanh nghiệp nông sản, thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tháo gỡ quy định về kiểm tra chỉ tiêu một số hoạt chất trong các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản; áp dụng chế độ kiểm tra giảm và rút ngắn thời gian ký quỹ đối với việc nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét khả năng cho phép nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị chế biến gỗ đã qua sử dụng nhiều năm nhưng vẫn có giá trị sử dụng cao để giúp ngành chế biến gỗ xuất khẩu tiếp tục hạ giá thành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất theo hướng bỏ hoặc giảm yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gỗ nhập khẩu từ một số quốc gia không có nguy cơ cao, đã thực hiện hun trùng và khả năng chấp nhận Giấy kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu; xem xét giảm yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với bông nhập khẩu từ các quốc gia không có nguy cơ cao.
Các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Luật Quản lý ngoại thương; chủ động xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý; rà soát và công bố chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa thuộc diện quản lý theo giấy phép, theo điều kiện kèm mã số hàng hóa (mã HS) theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia, Cơ chế Một cửa ASEAN; rà soát, áp mã HS cho toàn bộ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xem xét kiến nghị của các Hiệp hội ngành hàng liên quan đến việc thực thi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm về quy định về thời gian làm thêm, lương tối thiểu, trợ cấp thất nghiệp.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế rà soát lại các loại phí và mức phí thu vào hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường ngoài nước tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ 6 tháng một lần phát hành Báo cáo đánh giá thị trường nông, thủy sản, trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả, thị trường của một số nông, thủy sản xuất khẩu chính để doanh nghiệp và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo. Tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu này để các doanh nghiệp chủ động và kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xem xét, công bố thông tin về năng suất lao động chi tiết theo ngành kinh tế cấp 3 hoặc 4 đối với một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển xuất khẩu để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng định hướng phát triển sản xuất phù hợp.
Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm;
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì: Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường, triển khai các biện pháp tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh để phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, triển khai các biện pháp để từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phát triển sản xuất công nghiệp gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh là dệt may, da giầy, điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh các biện pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ xuất khẩu; Phát triển dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 48 - Tuần 4 tháng 1/2025
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?