Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải cách thủ tục hành chính
31/08/2018 08:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 30/8/2018.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch tài chính-ngân sách quốc gia 3 năm 2019-2021; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; tình hình ban hành văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra tháng 8 năm 2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;...
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: trong những ngày đầu thu, chúng ta đón nhận nhiều tin vui, trong đó có thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD. Tính đến ngày 29/8, Việt Nam đã đoạt 4 huy chương Vàng và nhiều huy chương Bạc, Đồng, đứng thứ 13 toàn đoàn, đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt, đội bóng đá Olympic Việt Nam đã vào bán kết là một thành tích lịch sử.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh, xu hướng tăng tốt hơn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng... Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Thủ tướng cho biết điều đáng mừng là 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 tiếp tục duy trì xu thế tích cực, có nhiều chuyển biến tích cực trong từng ngành, từng lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ, khoảng 0,45% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng tăng 3,52% so với cùng kỳ, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý ở mức 8,18%. Tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp nối xu thế tăng trưởng tích cực từ đầu năm trong cả 3 khu vực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 8 tháng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ; các hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tốt, tính chung 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng trên 11%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, 8 tháng duy trì xuất siêu với khoảng 2,8 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách hành chính hướng mạnh tới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo niềm tin cho thị trường. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Hoạt động thể thao thành tích cao đạt được nhiều thành tích nổi bật. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tuy nhiên, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp. Giá cả hàng hóa cơ bản và giá dầu thế giới theo xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên mặt bằng lạm phát toàn cầu cũng như kiểm soát lạm phát trong nước. Tiến độ thu ngân sách nhà nước, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt thấp so với yêu cầu dự toán. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước tiến triển chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cải thiện nhiều, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước còn chậm được đổi mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu kết luận phiên họp, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực, quốc tế; những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời. Tinh thần chỉ đạo nhất quán là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nợ công; cải cách thể chế; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; thúc đẩy khởi nghiệp...
Kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều hành tỷ giá linh hoạt, theo sát các biến động thị trường. Triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh cá thể, hộ gia đình.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Thực hiện nghiêm kỷ luật thu-chi ngân sách nhà nước, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là đối với chi thường xuyên, mua sắm, hội họp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế.
Quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo dõi sát tình hình nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng như các hoạt động tạm nhập tái xuất.
Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Rà soát, đẩy mạnh giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí thời gian, tiền bạc. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thực chất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở đặc trưng du lịch của địa phương, khu vực. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty lữ hành, tránh tình trạng ép giá hoặc phá giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ và phương tiện phục vụ khách du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, trong đó quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công; rà soát và thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm đời sống của người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, người dân ở vùng sâu, vùng xa; quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế là đặc sản của địa phương, vùng miền;...
Trong lĩnh vực y tế, cần chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, tập trung chỉ đạo kiểm soát các dịch bệnh có khả năng lây lan cao. Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý khu vực y tế tư nhân, nghiên cứu cách thức quản lý phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn tình trạng chạy theo lợi nhuận, đồng thời khuyến khích các ưu điểm của y tế khu vực tư.
Chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác tổ chức khai giảng năm học mới 2018-2019 theo tinh thần hiệu quả, tiết kiệm. Bảo đảm không thiếu giáo viên, cơ sở vật chất trường học.
Thực hiện nghiêm các Nghị quyết 18, 19 và 26 của Trung ương về công tác tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai cải cách chính sách tiền lương.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm sử công nghệ cao. Đặc biệt, sức chú ý chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trong dịp Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học mới 2018 - 2019 và Hội nghị WEF ASEAN...
Các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?