Đến 2020: Thiếu 3,2 triệu lao động nông nghiệp đã qua đào tạo
09/07/2018 04:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Bộ NN&PTNT, vấn đề lao động trong ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, nhưng lao động chiếm trên 42%. Đặc biệt, người dân ở nông thôn chiếm đến 70% dân số. Cơ cấu lao động là vấn đề lớn hiện nay…
Năng suất lao động nhóm ngành nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), giá trị năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm. Năng suất lao động bình quân tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động/năm năm 2017. Trong giai đoạn 2012-2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.
Trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế vẫn duy trì năng suất lao động ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cung cấp nước. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất lao động chưa cao. Còn ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.
Có thể thấy, Việt Nam có gần 16 triệu hộ nông thôn. Dù được coi là “cường quốc” xuất khẩu nông sản, nhưng năng suất lao động nông nghiệp đang rất thấp. Cụ thể, với ngành trồng trọt chỉ đạt 204.000 đồng/ngày công, chăn nuôi 228.000 đồng và thủy sản 275.000 đồng/ngày công. Theo báo cáo về “Triển vọng phát triển châu Á năm 2017” của ADB, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia, chưa bằng một nửa so với Thái Lan, Philippines.
Thiếu lao động có trình độ cao đáp ứng nông nghiệp thời kỳ 4.0
Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2017-2020, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm và thu nhập cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không hề đơn giản bởi chất lượng lao động trong ngành nông nghiệp hiện rất thấp.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát thực tế, gắn với mô hình sản xuất.
Đến nay cả nước có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt; có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực.
Dự báo, đến năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp sẽ thiếu 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời kỳ 4.0.Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay và với 70% dân số vẫn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn là yêu cầu cấp thiết.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải bám sát thực tiễn
Theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề từ năm 2010-2016. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% trong năm 2009 lên 53% vào năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn. Sau đào tạo, ít nhất 80% học viên sẽ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất và thu nhập cao hơn.
Trong 6 năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được 2 Bộ LĐ-TB&XH và NN&PTNT quan tâm, trong đó, Bộ NN&PTNT lo đào tạo nghề nông nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đào tạo nghề phi nông nghiệp. Chất lượng đào tạo được đánh giá khá tốt nhưng vẫn còn những bất cập ở cả hai yếu tố gồm cơ cấu nghề và số lượng người học chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương dẫn tới tình trạng nơi thiếu thì vẫn thiếu trong khi nơi thừa thì vẫn thừa.
Do vậy, Chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 là không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất./.
*** Theo kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2018 mà Bộ NN&PTNT mới đây phê duyệt, tổng số chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 là 287.175 người. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Trong đó, đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 03 tháng là 207.175 người, cụ thể: các địa phương đào tạo 200.675 người, các cơ quan Trung ương đào tạo 6.500 người, đào tạo nghề nông nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng là 80.000 người do các trường có chức năng đào tạo nghề nông nghiệp tuyển sinh.
Tập trung đào tạo cho lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng; lao động thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và lao động ở các vùng khó khăn...
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?