Tai nạn lao động gia tăng báo động
17/04/2018 02:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mỗi năm, tại TPHCM xảy ra khoảng 1.500 - 1.700 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), chiếm 15% tổng số vụ trong cả nước. Ghi nhận thực tế tại các công trình, cơ sở sản xuất trên địa bàn TPHCM, cả người lao động và chủ sử dụng lao động đều rất thờ ơ với công tác bảo hộ lao động, dù đang làm việc trong môi trường dễ xảy ra tai nạn nhất.
Công nhân làm việc như làm xiếc tại một công trình xây dựng cao tầng ở quận 3, TPHCM.
Một lần bất cẩn, cả đời ân hận!
Một ngày làm việc cuối tháng 5, anh Lê Thanh Bình (42 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) lên kiểm tra nhóm thợ đang sửa cần cẩu hàng tại Công ty TNHH Quốc Việt thì bất ngờ bị điện giật, té xuống. Rớt từ độ cao 7m, anh Bình lọt ngay giữa đống sắt.
Anh lập tức được đưa vào bệnh viện trong trạng thái mê man không biết gì. Nhớ lại vụ TNLĐ mà phải nhờ vào may mắn mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần, 6 năm qua, anh Bình vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Vụ TNLĐ làm anh Bình lõm hộp sọ, mẻ xương. Những thanh sắt cấn vào 2 đốt sống lưng khiến anh bị liệt nửa người phía dưới. Tỷ lệ thương tật được ghi nhận lên đến 94%.
Hơn 30% thời gian từ khi bị TNLĐ là nối tiếp những ngày anh Bình phải điều trị. Ảnh hưởng của vụ TNLĐ, giờ đây anh Bình còn bị thêm sỏi thận và túi mật. Mọi thứ trong gia đình đảo lộn.
Từ lao động chính trong nhà, anh Bình phải nhờ vợ chăm sóc, người vợ cũng phải bỏ công bỏ việc để sớm tối kề cận lo toan sức khỏe cho anh. Kinh tế gia đình suy sụp. Gần đây, vợ anh mới có thể nhận may gia công tại nhà với thu nhập phập phù, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của anh Bình chính là khoản trợ cấp TNLĐ, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Gia đình rơi vào diện nghèo. Cả gia đình đang sống trong căn nhà dột nát mà anh thừa nhận “mình không còn khả năng sửa chữa”.
Điều lo lắng nhất của anh Bình không phải là sức khỏe của mình, mà là không biết xoay xở như thế nào để cho con ăn học đến nơi đến chốn khi giờ đây cháu chuẩn bị bước vào đại học.
Tương tự anh Bình, anh Trần Mười (37 tuổi, ngụ quận 9) bị TNLĐ do nổ hóa chất khi vận hành bồn trộn. Anh bị chấn thương não bộ và phỏng toàn thân, thương tật 63%.
Anh Nguyễn Hoàng Khanh (48 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị liệt nửa người, thương tật đến 95% do cần cẩu bị đứt cáp, thang sắt giập gãy xương sống.
Anh Huỳnh Minh Thành (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) té từ trụ điện, bị giập phù não, thương tật 75%. Đây là 4 trong số hàng ngàn công nhân khi bị TNLĐ hàng năm và thường rơi vào cảnh thương tật, mất hoặc giảm khả năng lao động và suy sụp về kinh tế.
Tại TPHCM, tình hình TNLĐ luôn ở mức cao so với các tỉnh, TP khác. Đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người còn nhiều. Chỉ riêng năm 2017, TPHCM xảy ra hơn 1.500 vụ TNLĐ với hơn 1.500 người bị nạn, trong đó có 102 người chết, cao nhất nước. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, TPHCM xảy ra 17 vụ TNLĐ, làm 16 người chết và 1 người bị thương nặng.
Đùa với “thần chết”
Tháng 4, TPHCM nắng gay gắt. Khoảng 14 giờ ngày 14-4, tại công trình xây dựng trên đường Trịnh Đình Trọng (phường Phú Trung, quận Tân Phú), 4 công nhân đang đu mình trên bức tường với ánh nắng hơn 38 độ chiếu thẳng vào người để làm việc.
Ở độ cao hơn 10m, họ chỉ đứng trên một tấm ván bắc ngang những giàn giáo tạm bợ bên dưới. Trong điều kiện làm việc khắc nghiệt và nguy hiểm ấy, công nhân không được trang bị một dụng cụ bảo hộ lao động nào.
Người lao động tại các công trình xây dựng thờ ơ với công tác bảo hộ lao động.
Đầu họ đội nón tai bèo, chân mang dép, không có dây đeo an toàn. Bên dưới những giàn giáo không có lưới che chắn ấy, một công nhân khác đầu đội nón kết, chân mang dép lào đang ngồi điều khiển chiếc máy để chuyển những thùng xi măng lên cho đồng nghiệp phía trên cao bằng sợi dây cáp mỏng manh.
“Nắng thế này đội nón tai bèo còn che không hết cái mặt, đội cái nón bảo hộ, mang bao tay, đi giày vào thì chịu không nổi đâu”, anh Trần Văn H. lý giải.
Một công trình xây dựng kế bên số nhà 26 đường Trịnh Đình Trọng, bên dưới những giàn giáo bằng sắt được lắp ráp tạm bợ, 4 công nhân không mang một món đồ bảo hộ lao động đang làm việc tất bật. Phía dưới chân họ sắt, đá ngổn ngang. Phía trên giàn giáo, 3 công nhân đội nón tai bèo đang làm việc trong tư thế cheo leo.
Điều đáng nói, dưới các giàn giáo ấy, buổi tối chính là nơi ngủ, nghỉ của công nhân. Đó là hình ảnh thường thấy tại các công trình xây dựng, nhất là các công trình tư nhân, xây dựng nhỏ lẻ.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, thời gian qua, TNLĐ nghiêm trọng gây chết người xảy ra nhiều trong lĩnh vực thi công xây dựng. Trong tổng số 102 vụ TNLĐ chết người, có đến 71 vụ thuộc lĩnh vực thi công xây dựng, làm chết 66 người và bị thương nặng 4 người.
Con số trên phản ánh, một khi đã bị TNLĐ trong lĩnh vực thi công xây dựng thì gần như khả năng sống sót là rất thấp.
“TNLĐ nghiêm trọng gây chết người chủ yếu xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các chủ thầu tư nhân, các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công, hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công, nhưng không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, nhận xét. Các yếu tố gây chấn thương chủ yếu của các vụ TNLĐ: Do rơi ngã (112 vụ, trong đó 34% vụ có người chết); do điện giật (48 vụ, trong đó 75% có người chết); do vấp ngã, va đập và có 12 vụ TNLĐ do người lao động căng thẳng quá mức…
Các vụ TNLĐ cũng thường xảy ra tại các cơ sở sản xuất công nghiệp như sản xuất giày dép, sản xuất, gia công kim loại, gỗ… Khi chúng tôi đến cơ sở mộc trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình), anh Nguyễn Văn T. đang đứng máy cưa để cắt nhỏ những tấm ván, bụi cưa bay mù mịt.
Dù 2 tay cầm miếng ván rất gần lưỡi cưa, người cúi rạp và mặt rất gần “lưỡi hái tử thần” nhưng anh không mang kính, khẩu trang, bao tay hay quần áo bảo hộ. “Nó vướng víu lắm, không quen. Chủ có mua cho kính và bao tay bảo hộ, nhưng nóng bức thế này mà mang gì. Mình làm cẩn thận một chút thì cũng an toàn thôi”, anh T. nói.
Nghiêm túc thực hiện quy định về an toàn lao động
Điều đau xót là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNLĐ lại chính từ lỗi của người lao động. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, trong các vụ tai nạn, 634 trường hợp (chiếm 42%) có nguyên nhân từ người lao động. Cụ thể: 557 trường hợp do người lao động vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn (chiếm gần 88%); 77 trường hợp do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Trong khi đó, lỗi thuộc về phía người sử dụng lao động là 203 trường hợp (chiếm gần 14%), chủ yếu do không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn.
Theo nhận xét của ông Trần Đăng Minh Hiếu, Giám đốc an toàn sức khỏe môi trường - Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nếu quy chụp cho nhận thức của người lao động thì không hoàn toàn đúng. “Chủ đầu tư cần phải thay đổi cả trong nhận thức lẫn thực tế.
Một công trình nếu có hệ thống, quy trình lao động an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và có quy định chặt chẽ về an toàn lao động, chế tài xử phạt thì người lao động sẽ phải tuân thủ”, ông Hiếu chia sẻ.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà thầu thi công xây dựng trên địa bàn TPHCM, Sở LĐTB-XH ghi nhận vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót của cả người sử dụng lao động lẫn các cấp quản lý trong việc thực hiện những quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Các vi phạm chủ yếu như: Chưa tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; chưa xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, các quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn cho người lao động; chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…
Để phòng ngừa TNLĐ, ông Nguyễn Văn Lâm cho hay trong năm 2018, Sở LĐTB-XH phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nội dung quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Số lượng kiểm tra khoảng 300 cuộc. Trong đó, chú trọng những lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như công trình xây dựng, doanh nghiệp ngành cơ khí và may mặc, da giày.
Riêng lĩnh vực thi công xây dựng, lưu ý đến các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình sửa chữa, cải tạo, phá dỡ có sử dụng các thiết bị điện, thiết bị hàn, cắt kim loại, sử dụng lao động tự do, lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Đặc biệt, trong các yếu tố sẽ quan tâm đến việc an toàn sử dụng điện. Ông Lâm tin tưởng, khi thực hiện đúng và đủ các biện pháp đồng bộ thì số vụ TNLĐ sẽ được kéo giảm trong thời gian tới.
Khuyến cáo đưa an toàn lao động vào giáo dục học đường
Ngày 16-4 tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn vì một thế hệ người lao động an toàn và khỏe mạnh.
Theo thống kê mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động nhưng tình hình mất an toàn lao động ngày càng nóng bỏng. Các lao động trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi có tỷ lệ thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người lao động lớn tuổi. Nguyên nhân là do có lỗ hổng kiến thức về an toàn lao động.
Để lấp được lỗ hổng này, cần đưa kiến thức về an toàn lao động vào giáo dục. Bà Valentine - đại diện dự án an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ thuộc ILO, khuyến cáo, Việt Nam nên lồng ghép an toàn sức khỏe nghề nghiệp vào giáo dục tại tất cả các cấp học đường hiện nay.
Theo Báo SGGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?