Tận dụng mạng xã hội để luận tội ma tuý
05/04/2018 01:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tội phạm ma tuý biết tận dụng thế mạnh của các trang mạng xã hội thì chính những người làm công tác phòng chống ma túy cũng phải biết tận dụng thế mạnh này để đối phó với tình hình.
Không khó bắt gặp các tài khoản mạng xã hội tiếp thị, mua bán "cỏ Mỹ" dưới mác "Trà giảm cân"
Quảng cáo, mua bán ma tuý công khai trên mạng
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, trong hầu hết các vụ việc bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy gần đây, các đối tượng đều sử dụng các ứng dụng của internet (zalo, viber, facebook, email…) để trao đổi, mua bán các chất gây nghiện và dụng cụ sử dụng kèm theo (chủ yếu là ma túy “đá”, cần sa...).
Việc các đối tượng hoạt động trên mạng có phần công khai, ngang nhiên gây bức xúc trong dư luận và đời sống xã hội. Đáng lo ngại hơn, việc quảng cáo, giao dịch mua bán ma túy thông qua mạng xã hội không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…) mà còn xuất hiện ở nhiều địa bàn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo lời khai của các đối tượng, việc thông qua các trang mạng xã hội sẽ có nhiều thuận lợi như "bảo mật được thông tin" và dễ dàng tìm được khách hàng.
Điển hình như vụ ngày 13/7/2017, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt giữ Văn Trần Đình Sơn (25 tuổi), trú tại đường Hòa Bình, phường Thuận Thành, TP. Huế vì có hành vi mua bán ma túy trên mạng xã hội. Sơn khai nhận: Thông qua mạng xã hội, y đã tìm được nguồn cung cấp ma túy tổng hợp (MTTH). Sau khi liên lạc chủ tài khoản, Sơn được hướng dẫn phương thức chuyển tiền và nhận hàng tại bến xe phía Nam, TP. Huế. Với thủ đoạn trên, Sơn đã hai lần mua ma túy với tổng số tiền 32 triệu đồng từ TPHCM mang về Huế rồi chia lẻ bán cho người nghiện kiếm lời. Tại thời điểm bị lực lượng công an bắt giữ, Sơn đang tàng trữ 32,7 gam MTTH dạng “đá”.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm ma tuý ngày càng dùng nhiều thủ đoạn mới để mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy qua mạng xã hội. Các đối tượng đã lập các trang cá nhân, công khai từ giá cả đến sản phẩm để tổ chức rao bán MTTH, ma túy “đá”, “cỏ Mỹ”. Không cần “chào hàng” trực tiếp, không cần thông qua “dắt mối”, mọi giao dịch được thực hiện nhanh chóng qua mạng xã hội; mỗi lần giao hàng chỉ mang theo một số lượng rất nhỏ, vừa đủ cho một lần sử dụng của đối tượng nghiện...
Ma túy được giấu trong các kiện hàng hóa qua dịch vụ gửi hàng của xe khách, thậm chí tạo vỏ bọc qua việc mở các cửa hàng đồ ăn, quần áo để thuê xe ôm Uber, Grab, những người chuyển hàng thuê để vận chuyển ma túy vào địa bàn thành phố tiêu thụ.
Trong thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng chức năng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Các đối tượng hoạt động rao bán ma túy trên mạng thường là các đối tượng mua bán ma túy với số lượng nhỏ lẻ; chúng thường có hiểu biết về công nghệ để có các thủ thuật bảo mật thông tin cá nhân, phương thức liên lạc, trao đổi nên rất khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh triệt phá của các lực lượng chức năng.
Hơn nữa, loại chất mà các đối tượng rao bán công khai trên mạng hiện nay đa số là những chất gây nghiện mới (một số chất đã được đưa vào danh mục quản lý; một số chất có thể chưa được đưa vào danh mục quản lý). Do đó, việc bắt giữ xử lý hiện nay còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay, nhận thức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện mới còn rất mơ hồ; nhiều khi ngộ nhận về việc không gây nghiện khi sử dụng, không bị xử lý khi mua bán, sử dụng. Do vậy đã tìm cách mua bán hoặc tiếp tay cho việc mua bán, sử dụng các chất này thông qua các mạng xã hội.
Bên canh đó, do số lượng giao dịch là nhỏ, lẻ; việc giao dịch, giao nhận tiền, “hàng” hầu như tách biệt được các đối tượng có vai trò khác nhau thực hiện nên việc đấu tranh triệt phá và điều tra xử lý triệt để cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Mở mặt trận phòng chống ma tuý trên mạng xã hội
Trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, việc kẻ xấu lợi dụng các trang mạng xã hội để quảng bá các loại ma túy mới, quảng bá việc mua bán ma túy và nguy hại hơn là lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng ma túy là hành vi rất nguy hiểm; bởi vì bọn tội phạm nhằm vào nhu cầu và tâm lý của thanh, thiếu niên đang sử dụng rộng rãi các trang mạng xã hội phục vụ nhu cầu giao tiếp, giải trí và cũng bị ảnh hưởng ở các nước trên thế giới trong việc rao bán ma túy trên mạng xã hội.
Tại các phiên họp bàn về công tác phòng, chống ma túy do Chính phủ chủ trì cũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội để quảng bá, lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng trái phép các chất ma túy. Để làm tốt việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan an ninh, Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao và các cơ quan chức năng thuộc nhiều ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương đã có những mô hình sáng tạo trong tổ chức và hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế. Thành lập năm 2016, “Tổ đấu tranh với tội phạm ma túy trên mạng xã hội” của Chi đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã góp phần thiết thực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, giảm tỷ lệ người nghiện ma tuý trong, thanh thiếu niên…trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
“Tổ đấu tranh với tội phạm về ma túy trên mạng xã hội” gồm 12 thành viên thông thạo về tin học. Tổ hoạt động vào ngoài giờ hành chính, thứ bảy, chủ nhật, định kỳ sinh hoạt 1 buổi/tuần. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên đánh giá, trao đổi thông tin nghiệp vụ, đề ra các biện pháp, phương án điều tra, xác minh, tiếp cận, phát hiện, bắt giữ đối tượng trên cơ sở các thông tin khai thác được qua các trang mạng xã hội.
Qua một thời gian hoạt động, Tổ đã nắm bắt được nhiều thông tin có giá trị về hoạt động mua bán ma túy, các địa điểm, tụ điểm mà thanh niên thường xuyên sử dụng ma túy, tiếp nhận thông tin, tin báo tố giác tội phạm ma túy qua mạng facebook, zalo… Từ đó, đề xuất nhiều phương án đấu tranh, xử lý có hiệu quả tội phạm ma túy trên địa bàn.
Nổi bật như việc phát hiện một số đối tượng chuyên bán hoa, quả thuốc phiện tại khu vực TP.Cẩm Phả; bắt giữ 1 đối tượng rao bán thuốc phiện trên facebook trong nhóm “Chợ đêm Cẩm Phả”; cung cấp nhiều thông tin cần thiết, như ảnh, số điện thoại, mối quan hệ của đối tượng…, phục vụ công tác đấu tranh chuyên án của đơn vị.
Song song với tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động tiếp thị, quảng cáo, mua bán ma túy trái phép trên mạng internet và các mạng xã hội; việc sử dụng chính mạng xã hội để lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy là một việc làm hết sức cần thiết.
Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, hiện nay, đã có một số nước như New Zealand triển khai các dự án sử dụng chính các trang mạng xã hội để phổ biến kiến thức phòng, chống ma túy và ngăn chặn hành vi quảng bá, mua bán trái phép ma tuý. Quan điểm của họ là tội phạm biết tận dụng thế mạnh của các trang mạng xã hội thì những người làm công tác phòng, chống ma túy cũng sẽ tận dụng thế mạnh này để đối phó với tình hình.
Theo Tiếng chuông
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?